Google đang trong “tâm bão” cáo buộc trả lương thấp bất hợp pháp
Các tài liệu nội bộ hé lộ rằng, Google đã thực hiện việc trả lương thấp một cách bất hợp pháp cho hàng nghìn nhân viên thời vụ tại hàng chục quốc gia tại châu Âu cũng như châu Á trong nhiều năm...
Theo Guardian, Google đã trả lương thấp một cách bất hợp pháp cho hàng nghìn nhân viên thời vụ ở hàng chục quốc gia và trì hoãn việc điều chỉnh mức lương trong hơn hai năm để cố gắng che đậy vấn đề. Các tài liệu chống lại đại gia trong lĩnh vực tìm kiếm chỉ ra rằng, mức lương mà các nhân viên thời vụ nhận được khác một trời một vực so với nhân viên chính thức bất chấp khối lượng công việc của hai nhóm là như nhau.
TRÌ HOÃN SỬA CHỮA SAI LẦM
Các giám đốc điều hành của Google đã biết về vụ việc này ít nhất từ tháng 5 năm 2019. Công ty công nghệ này đã không tuân thủ luật pháp địa phương ở Vương quốc Anh, châu Âu và châu Á trong đó quy định người lao động tạm tuyển được trả mức lương ngang bằng với nhân viên toàn thời gian khi thực hiện công việc tương tự, theo các tài liệu và email nội bộ của Google được xem xét bởi Guardian.
Việc Google có nhiều nhân viên thời vụ hơn cả nhân viên toàn thời gian đã bị chính nhân viên của công ty, các chính trị gia và liên đoàn lao động chỉ trích.
Nhưng thay vì ngay lập tức sửa chữa các sai sót, đại gia công nghệ này đã kéo dài tình trạng này tới hơn hai năm. Các tài liệu nội bộ cũng chỉ ra rằng lý do Google trì hoãn khắc phục sai lầm do lo ngại về tình trạng tăng chi phí đối với các bộ phận phụ thuộc nhiều vào lao động tạm thời, khả năng phải đối mặt với các yêu cầu pháp lý và lo ngại sự chú ý tiêu cực của báo giới.
Các giám đốc điều hành và luật sư của Google tại một thời điểm đã theo đuổi kế hoạch tuân thủ một cách từ từ và ít tốn kém nhất có thể cho chính công ty mình, mặc dù thừa nhận rằng động thái như vậy chưa hoàn toàn tuân thủ các quy định về pháp luật cũng như có thể đặt các công ty đối tác đã cung cấp nhân sự cho hãng "ở một vị trí khó khăn, về mặt pháp lý và đạo đức".
Trong khi đó, một email nội bộ vào tháng 1/2020 cho thấy, Google đã sử dụng thang lương lỗi thời. Gã khổng lồ công nghệ cũng không xem xét tỉ giá và điều chỉnh lương suốt 8 năm liền tại châu Âu và 3 năm ở châu Á, theo New York Times. Điều này dẫn tới việc mức lương trả cho các nhân viên thời vụ cũng không được điều chỉnh trong suốt khoảng thời gian ấy.
Hơn 30 quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, các quốc gia thành viên EU, Ấn Độ… đã ban hành luật “trả lương ngang giá” hoặc “đối xử bình đẳng” trong đó yêu cầu người lao động tạm thời phải được đối xử bình đẳng với nhân viên toàn thời gian (FTE) khi họ làm các công việc tương tự.
Số nhân công bị các động thái của Google ảnh hưởng có thể lên tới hàng ngàn người. Tính đến ngày 16/2, Google có 1.030 nhân viên thời vụ ở các quốc gia có luật trả lương ngang giá. Các con số lớn nhất là ở Anh (343 người), Ấn Độ (222 người), Ireland (207 người) và Đức (59 người).
ĐỐI MẶT VỚI RẮC RỐI PHÁP LÝ
Lao động thời vụ khá phổ biến trong lĩnh vực công nghệ. Tuy vậy, việc Google có nhiều nhân viên thời vụ hơn cả nhân viên toàn thời gian đã bị chính nhân viên của công ty, các chính trị gia và liên đoàn lao động chỉ trích.
Các bộ phận phụ thuộc nhiều nhất vào lao động thời vụ của Google bao gồm tuyển dụng, tiếp thị và Waymo, công ty con về xe tự hành của hãng này. Mỗi năm, hãng này chi khoảng 800 triệu USD để trả lương cho các "lực lượng lao động trong bóng tối" trên toàn cầu, theo The Guardian.
Google đã thừa nhận về những sai lầm của mình và cho biết sẽ tiến hành một cuộc điều tra. Guardian dẫn lời Spyro Karetsos, Giám đốc tuân thủ của Google, cho biết, mặc dù đội ngũ của Google đã đã không tăng lương theo mức chuẩn của tỷ lệ trong một số năm, nhưng mức lương thực trả cho nhân viên thời vụ đã tăng lên nhiều lần trong thời kỳ đó.
“Chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá các hoạt động tuân thủ quy định pháp luật của chúng tôi trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu điều gì đã xảy ra và nguyên nhân tại sao và chúng tôi sẽ sửa chữa lại các điểm chưa đúng”, ông Spyro khẳng định.
Trong khi đó, Tổ chức Whistleblower Aid đã đại diện một người tố giác đệ đơn khiếu nại về những vi phạm của Google lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Đơn kiện cáo buộc việc Google không tiết lộ các khoản tiền phải trả, ước tính có thể lên tới 100 triệu USD đã cấu thành sai sót trong báo cáo tài chính hàng quý và từ đó vi phạm luật chứng khoán Mỹ.
“Google không chỉ vi phạm luật lao động trên toàn thế giới mà còn đánh lừa các nhà đầu tư về trách nhiệm pháp lý và tài chính. Chúng tôi kêu gọi SEC có hành động nhằm vào Google và bảo vệ quyền nhận được thông tin đầy đủ và chính xác của các nhà đầu tư”, The Guardian dẫn lời ông John Tye, người sáng lập của Whistleblower Aid cho biết.