Hạ Long đón 1.200 du khách "mở hàng" mùa du lịch tàu biển mới
Sáng 27/10, hai tàu du lịch lớn đưa hơn 1.000 du khách quốc tế đã vào vịnh Hạ Long và cập vào Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long...
Tàu Viking Orion (quốc tịch Đức) chở 900 khách châu Âu và Mỹ, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Asia Outlook Travel (tại TP.HCM) đón. Du khách trên tàu này sẽ tham gia các chương trình tham quan Vịnh Hạ Long, City tour, Hà Nội, Ninh Bình và trở lại tàu, rời cảng chiều 28/10.
Trong khi đó, tàu Silver Muse (quốc tịch Bahamas) chở 300 khách châu Âu. Tàu này chỉ neo đậu tại Bãi Cháy đến 22h cùng ngày, nên du khách chỉ đi tham quan vịnh Hạ Long và chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn).
Được biết, đây là 2 đoàn du khách tàu biển đầu tiên cập vịnh Hạ Long trong mùa du lịch tàu biển mới, bởi mùa du lịch tàu biển thường bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào khoảng tháng 3 hoặc 4 năm sau. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, với việc thêm 2 tàu này thì đến nay đã có khoảng 16 - 17 chuyến tàu du lịch biển quốc tế vào vịnh Hạ Long.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho hay các hãng tàu biển quốc tế đã đăng ký khoảng 20 chuyến tàu đưa khách đến vịnh Hạ Long trong mùa du lịch khách tàu biển 2023 – 2024 năm nay. Những chuyến tiếp theo lần lượt cập vịnh Hạ Long trong tháng 11 và tháng 12/2023. Đây đều là những tàu biển hạng sang, vẫn đưa khách từ khắp nơi trên thế giới đến Hạ Long từ nhiều năm qua. Đó là các tàu Viking Orion, Silver Muse, Celebrity Solstice, Silver Whisper…
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch tàu biển, vịnh Hạ Long nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới, đặc biệt gần với Trung Quốc, nơi mà rất nhiều hãng tàu quốc tế đưa tàu du lịch đến để khai thác. Hạ Long cũng là điểm gần nhất để đến những thị trường Bắc Á khác như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản… nên càng có điều kiện để thu hút khách.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trước khi chưa có đại dịch Covid-19, mỗi năm có khoảng 100 chuyến tàu biển quốc tế siêu sang, đem theo khoảng 150.000 – 180.000 khách từ khắp nơi trên toàn thế giới, cập vịnh Hạ Long.
Để khai phá tiềm năng du lịch tàu biển, những năm qua, Quảng Ninh đã hình thành những chuỗi du lịch khép kín đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi, mua sắm, giải trí của du khách đi tàu biển, như: Khu vui chơi, giải trí cao cấp SunWorld Hạ Long Complex, bãi tắm Bãi Cháy, cụm công trình Bảo tàng - Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, chợ Hạ Long…, đã góp phần tăng trải nghiệm của du khách ngay khi rời tàu.
Đặc biệt, với việc đưa Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, do một tập đoàn tư nhân đầu tư với vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng tại phường Bãi Cháy, TP.Hạ Long, vào hoạt động từ ngày 27/11/2018, đã tạo thêm một cú hích lớn cho du lịch tàu biển. Đây là cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên, có thể phục vụ cùng lúc 2 tàu, mức tối đa trọng tải tàu lớn nhất là 225000 GRT với tổng số 8.460 người.
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, tính riêng về đường biển, Quảng Ninh có hệ thống các cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt phục vụ du lịch như: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên đưa khách đi tham quan Di sản vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, Cô Tô, Vân Đồn và đón khách du lịch quốc tế bằng tàu biển với trọng tải lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Có thể thấy, với vị trí địa lý thuận lợi khi là địa phương duy nhất của Việt Nam có đường biên giới trên đất liền và trên biển với Trung Quốc, là cửa ngõ giao thương với các nước ASEAN và thế giới, cùng với một hệ thống giao thông đồng bộ giữa đường bộ, đường không và đường biển, du lịch Quảng Ninh hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tuy nhiên, đại diện một số đơn vị chuyên đón tàu biển quốc tế tại Việt Nam cho rằng, Quảng Ninh cần phải đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch, nhất là trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Ngoài ra, khách tàu biển đều là khách hạng sang, sẵn sàng chi tiêu lớn và thường có nhu cầu tìm hiểu sâu về lĩnh vực văn hóa, đời sống của người dân bản địa. Tuy nhiên đến nay, các sản phẩm du lịch về văn hóa ở Quảng Ninh vẫn còn thiếu, ngoài Yên Tử, trong khi tiềm năng, lợi thế luôn thuộc diện hàng đầu cả nước.