16:32 18/10/2024

Hà Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch

Chu Khôi

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng, đã vượt qua cả năm 2023. Hà Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch trên địa bàn tỉnh, khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách…

Thuyền đưa du khách ngắm cảnh trên hồ Lục Nhạc tại Khu du lịch Tam Chúc.
Thuyền đưa du khách ngắm cảnh trên hồ Lục Nhạc tại Khu du lịch Tam Chúc.

Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày thành lập tỉnh (20/10/1890), ngày 18/10/2024, tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2024”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Lê Thị Thuỷ, Bí Thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Nam, cho biết Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi, đồng thời cũng là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, đa dạng về địa hình, địa mạo, nên có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch thể thao golf, du lịch văn hóa.

NHIỀU ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN

Theo bà Thuỷ, hiện nay ở Hà Nam có hơn 200 cơ sở lưu trú với tổng số gần 4.000 phòng phục vụ khách du lịch. Trong đó, có 2 khách sạn 5 sao (khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam, Melia Vinpearl Phủ Lý); sắp hoàn thành 1 khách sạn 5 sao nữa của tập đoàn BRG.

Một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nam đã hình thành như: Du lịch văn hóa, lễ hội với các điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách đến thăm quan, chiêm bái như: Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai, Chùa Cây Thị, Chùa Phật Quang, Chùa Bà Đanh, Chùa Long Đọi Sơn, Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang…; Lễ hội Tịch Điền, Lễ phát lương Đền Trần Thương… Sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống như: cá kho Đại Hoàng, Trống Đọi Tam, lụa Nha Xá...

Bà Lê Thị Thuỷ, Bí Thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Nam: "Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách".
Bà Lê Thị Thuỷ, Bí Thư tỉnh uỷ tỉnh Hà Nam: "Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách".

Bà Lê Thị Thuỷ cho hay năm 2023, Hà Nam đón hơn 4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2024, Hà Nam đón khoảng 4,2 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Du lịch Hà Nam đang dần khẳng định thương hiệu là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách, liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024 Hà Nam được Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới và Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu Châu Á.

 
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

"Để du lịch Hà Nam thực sự cất cánh và phát triển bền vững, cần tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nam, đặc biệt trên nền tảng số. Đề nghị tỉnh Hà Nam triển khai nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào phát triển hạ tầng du lịch, như khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí và dịch vụ hỗ trợ du lịch; như hỗ trợ thủ tục hành chính và ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư”.

Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết trong 9 tháng năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; khách nội địa đạt 95,5 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch cả nước trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 637,7 nghìn tỷ đồng.

Ông Phúc nhận định: "Với những tiềm năng phong phú về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, là một trong những địa phương có cơ hội lớn để phát triển ngành du lịch, tỉnh Hà Nam đã có những bước đi vững chắc trong việc khai thác các tiềm năng này. Đặc biệt là Khu du lịch Tam Chúc, một trong những điểm đến nổi bật của Việt Nam, gắn liền với giá trị văn hóa, tâm linh và thiên nhiên hùng vĩ".

NHIỀU DỰ ÁN LỚN ĐANG ĐƯỢC TRIỂN KHAI

Ông Ishikawa Isamu, Phó Đại sứ Nhật Bản, cho biết ngay sau khi đến nhậm chức tại Việt Nam vào ngày 10/9/2024, Hà Nam là tỉnh đầu tiên ông đến thăm (ngoài thành phố Hà Nội). Theo ông Ishikawa Isamu, năm 2013, tỉnh Hà Nam đã thành lập Japan desk - Văn phòng tiếp nhận trao đổi và tư vấn chuyên môn cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Kể từ đó, đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Hà Nam đã tăng lên đáng kể, hiện nay có khoảng 100 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại đây.

“Với những kết quả khả quan đạt được như trên trong thu hút đầu tư nước ngoài, tôi hy vọng rằng tỉnh Hà Nam cũng sẽ triển khai những hoạt động quảng bá, tiếp thị hiệu quả để thu hút du lịch. Thu hút du lịch cũng giống như tình yêu. Trước hết, phải cho đối phương biết đến sự tồn tại của mình, sau đó mài giũa để trở nên thật quyến rũ và truyền tải về sự quyến rũ đó, cũng như hiểu rõ về sở thích của đối phương và tìm hiểu về tình địch, toàn bộ quá trình này là cần thiết”, Ngài Ishikawa Isamu nói.

Quang cảnh hội nghị tại tỉnh Hà Nam ngày 18/10/2024.
Quang cảnh hội nghị tại tỉnh Hà Nam ngày 18/10/2024.

Bà Trần Nguyện - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun World, cho rằng tỉnh Hà Nam có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Vị trí địa lý thuận lợi, gần Hà Nội và các tỉnh thành phía bắc và Bắc Trung Bộ với dân số đông. Hà Nam là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái và ẩm thực khi sở hữu hàng ngàn di tích lịch sử, nhiều thắng cảnh và làng nghề truyền thống nổi tiếng.

Tuy nhiên, bà Nguyện chỉ rõ, du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái nhiều tiềm năng, nhưng Hà Nam chưa tạo được nét độc đáo riêng có, chưa có quy hoạch du lịch bài bản và sự kết nối giữa các điểm đến để tạo thành hệ sinh thái du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.

“Hiện giao thông nội tỉnh có bất lợi cho phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ du lịch ở Hà Nam chưa đồng đều, vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là các nhà hàng quy mô lớn để phục vụ các đoàn khách lớn, thiếu các điểm vui chơi giải trí. Trong khi các làng nghề truyền thống mới chỉ tập trung sản xuất phục vụ thương mại, chưa quan tâm đầu tư dịch vụ và trải nghiệm cho du khách. Do đó, du khách đến đây chủ yếu chỉ trong ngày, chi tiêu thấp”, bà Nguyện lưu ý.

Theo bà Nguyện, với kỳ vọng góp sức ‘đánh thức” tiềm năng du lịch của Hà Nam, Tập đoàn Sun Group đã và đang triển khai những bước đi đầu tiên để làm đẹp vùng đất này.

Mới đây nhất là Dự án Đô thị nghỉ dưỡng - Sun Urban City quy mô 420ha với tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỉ đồng đã được khởi công. Dự án được phát triển theo mô hình “Thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô 1.001 tiện ích”, đồng thời xây dựng 5 đại công viên với phong cách và công năng khác nhau. Trong đó, công viên Sun World dự kiến ra mắt năm 2025, với quy mô 19,37 ha gồm hai hạng mục: Công viên nước và Công viên trong nhà Wonder Land.

Công viên lễ hội quy mô 8,9ha, lấy cảm hứng từ Lễ hội Tịch Điền, gắn kết giá trị di sản, cội nguồn với không gian hiện đại, mang đến cho du khách những trải nghiệm đỉnh cao lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nam. Xuyên suốt công viên là trục đại lộ cảnh quan dài 1,5km, rộng 150m có quy mô bậc nhất Việt Nam, riêng phần không gian mặt nước – Kênh vua Lê rộng đến 50m sẽ là nơi diễn ra show nhạc nước tương tác tái hiện hình ảnh rồng bay lên.

Công viên Thể thao với quy mô 22ha, bao gồm nhà thi đấu đa năng sức chứa lên tới 7.500 chỗ ngồi đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế và tổ hợp thể thao ngoài trời với đầy đủ tiện ích. Hai công viên còn lại là Công viên sinh thái rộng 13ha vsf Công viên văn hóa với diện tích 36,7ha.

Để du lịch Hà Nam phát triển bứt phá, bà Trần Nguyện đề nghị tỉnh Hà Nam thúc đẩy công tác xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển du lịch bài bản, dài hạn. Đồng thời, cần thúc đẩy xây dựng quy hoạch và cải thiện hạ tầng giao thông nội tỉnh kết nối các điểm đến du lịch hấp dẫn của Hà Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cần chú trọng và tăng cường đầu tư đào tạo nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhân lực du lịch trên địa bàn, bao gồm cả lực lượng nhân sự làm việc tại các điểm đến, cơ sở du lịch và người dân tại các làng nghề du lịch.