Hà Nội bổ sung 15 khu đất mới để xây dựng nhà ở xã hội
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội, UBND TP Hà Nội cho biết đã bổ sung 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (tương đương 2.000 căn hộ/khu). Trong đó, bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần khu công nghiệp…
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN NHÀ Ở ĐƯỢC CHÚ TRỌNG
Trong đó, Thành phố đã chủ động tổ chức lập, phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2012-2020 và giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2015-2020, Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 về phát triển nhà ở nói chung, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư nói riêng... Đồng thời cũng ban hành kế hoạch thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thành phố để tập trung rà soát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại nhiều phân khúc.
Ngoài ra, giai đoạn 2015-2023, Thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản bình quân đạt khoảng 3,16%/năm. Lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu từ các dự án nhà trung và cao cấp. Giao dịch thành công chủ yếu là những căn hộ nằm tại khu vực gần trung tâm, giao thông thuận tiện, đa dạng về tiện ích, thiết kế căn hộ linh hoạt, có tiến độ thanh toán hợp lý, chủ đầu tư có uy tín và có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, giai đoạn này có 466 dự án hoàn thành, tương đương 29,3 triệu m2 sàn; 598 dự án đang triển khai, tương đương 106,6 triệu m2 sàn. Diện tích bình quân đầu người đến hết năm 2020 đạt 27,25 m2/người, vượt mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đến hết năm 2023 đạt khoảng 28,6 m2/người, vượt chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2023 (28,2 m2/người).
Đặc biệt, công tác phát triển nhà ở xã hội được quan tâm, chú trọng. Cụ thể, có 30 dự án đã hoàn thành với 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với 4 triệu m2 sàn; 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất là 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Đáng chú ý, để đáp ứng chỉ tiêu được giao tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối lượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai doạn 2021-2030” của Chính phủ và triển khai đầu tư nhà ở xã hội sau năm 2030, UBND TP đã lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, Thành phố còn rà soát, bổ sung 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (tương đương 2.000 căn hộ/khu), trong đó tập trung bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp.
RÚT NGẮN THỜI GIAN LỰA CHỌN CHỦ ĐẦU TƯ
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhìn nhận nguồn cung bất động sản còn tương đối khan hiếm, sản phẩm bất động sản nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước. Phân khúc nhà chung cư chủ yếu được chào bán là phân khúc trung và cao cấp, phân khúc bình dân hiện chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Tiến độ triển khai các dự án bất động sản chậm…
Quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của Thành phố. Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhà ở xã hội trong các khu nhà ở xã hội tập trung rất thấp so với quy mô các dự án do bị khống chế về quy mô dân số. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân còn chậm. Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn. Trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian…
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc về điều kiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Thành phố đề nghị các bộ, ngành Trung ương trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở... có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chuyển tiếp đối với trường hợp dự án đã được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5.000.
Mặt khác, Thành phố cũng kiến nghị ban hành quy định riêng rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, người dân được hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội, có cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, cần phải có chính sách xã hội về nhà ở, thống nhất chỉ có một loại là nhà (không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) theo chất lượng của Bộ Xây dựng quy định, để người dân được tiếp cận như nhau về chất lượng và dịch vụ.