Hà Nội cần 12.500 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội
Theo lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, nhu cầu nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn thành phố là 113.000 căn (khoảng 6,8 triệu m2 sàn), với tổng vốn 12.500 tỷ đồng.
Tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Văn Tuấn cho biết: Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 (đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua). Trên cơ sở đó, xác định nhu cầu nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn thành phố là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng vào khoảng 12.500 tỷ đồng.
Về kết quả đạt được, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn; đang triển khai 52 dự án với khoảng 4,14 triệu m2 sàn. Nhà ở xã hội của Thành phố được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị; được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang triển khai 05 khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung, hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ.
“Đây là chủ trương lớn của thành phố, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ từ năm 2017 để thực hiện giải pháp là tạo lập khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật có tính chất tổng hợp để giải quyết nhu cầu cơ bản của Thành phố. Đến nay 5 khu nhà ở xã hội tập trung này có tổng quy mô đất khoảng 280 ha. Chúng tôi đã bố trí ở Đông Anh 1 khu khoảng 84 ha, ở Thanh Trì, Thường Tín, mỗi khu 4 ha, một khu ở huyện Gia Lâm quy mô 55 ha và một khu nữa ở Đông Anh với quy mô gần 100 ha. Dự kiến thời gian tới, sẽ hoàn thành bảo đảm quy mô, công suất khoảng 2,3 triệu m2 sàn, tương đương 38.000 căn hộ", ông Tuấn chia sẻ.
Nội dung này, Thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2021. Và thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.
Về giải pháp thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, thành phố đặt ra 5 giải pháp:
Một là, đẩy mạnh các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội.
Hai là, rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra.
Ba là, bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Thứ tư là, kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.
Thứ năm là, khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới.
Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Tổng thể, Thành phố đã triển khai 52 dự án, cộng 5 khu nhà ở xã hội tập trung là 57 dự án trên toàn địa bàn.