Hà Nội: Ngành nghề nào sẽ tăng mạnh tuyển dụng trong quý 2?
Theo thống kê, Hà Nội thiếu hụt khoảng hơn 50.000 lao động, tập trung vào những ngành nghề như: Dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng, ngân hàng, du lịch. Dự báo, đây cũng là những nhóm ngành sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn trong quý 2. chỉ tiêu tuyển dụng dự kiến tăng từ 10 – 15%...
Sau khi mở cửa trở lại các hoạt động, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh, thị trường lao động trên địa bàn Hà Nội tiếp tục có nhiều tín hiệu khởi sắc.
DU LỊCH, DỊCH VỤ SẼ TĂNG MẠNH NHU CẦU TUYỂN DỤNG
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá, cho đến thời điểm này, thị trường lao động Thủ đô đã được khôi phục và hoạt động một cách bình thường. Điều này thể hiện là sau Tết, các doanh nghiệp đã tăng cường hơn quy mô, tần suất sản xuất kinh doanh, dẫn đến có sự thiếu hụt lao động. “Hiện nay, theo thống kê của chúng tôi, trên toàn địa bàn thành phố thiếu hụt khoảng hơn 50.000 lao động, tập trung vào những ngành nghề như: Dịch vụ thương mại, sản xuất, xây dựng, ngân hàng, du lịch”, ông Dân cho biết.
Trong khi đó, là đơn vị thường xuyên tương tác, kết nối hoạt động tuyển dụng với doanh nghiệp, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khẳng định, hoạt động tuyển dụng của các đoanh nghiệp thời điểm hiện nay đang rất sôi động với nhu cầu tăng liên tục.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị này thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là các phiên online kết nối các địa phương phía Bắc có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…Đánh giá đây là thời điểm vàng trong tuyển dụng lao động ở cả phía doanh nghiệp và người lao động, song ông Thành cho biết, nhu cầu về nhóm lao động còn tùy thuộc vào đặc thù mỗi địa bàn và yêu cầu của các doanh nghiệp là khác nhau.
“Theo quan sát của chúng tôi, các địa phương có đông khu công nghiệp, khu chế xuất như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc thời điểm này đang có nhu cầu tuyển dụng lớn ở khối công nhân sản xuất. Với thị trường lao động Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng ở các ngóm ngành nghề vẫn khá ổn định, tập trung chính ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, lao động phổ thông.
Riêng nhóm ngành về dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí hiện bắt đầu ghi nhận các đơn hàng trở lại nên đang tuyển dụng số lượng lớn”, ông Thành thông tin.
Hiện TP. Hà Nội đã cho phép mở cửa trở lại gần hết các hoạt động dịch vụ, du lịch, do đó ông Thành dự báo đây cũng sẽ là các nhóm ngành trong thời gian tới có xu hướng tuyển dụng lao động rất lớn. Bên cạnh đó, nhóm lao động sản xuất trong các doanh nghiệp khối sản xuất cũng sẽ tiếp tục tăng tuyển lao động để đáp ứng quá trình phục hồi kinh tế.
“Trong quý 1/2022 chúng tôi dự báo Hà Nội cần tuyển dụng từ 80.000- 100.000 lao động, với tình hình hiện nay, quý 2 dự kiến các chỉ tiêu tuyển dụng sẽ tăng lên khoảng từ 10 – 15%”, ông Thành nhận định.
ĐÁNH GIÁ NHU CẦU THIẾU HỤT LAO ĐỘNG ĐỂ HỖ TRỢ
Trước việc nhu cầu tuyển dụng tăng trong bối cảnh có sự thiếu hụt lao động, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trên cơ sở những số liệu khảo sát, thống kê, thành phố sẽ đánh giá về những ngành nghề thiếu hụt lực lượng lao động; nguồn lực lao động có đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng trong thời điểm hiện tại của doanh nghiệp hay không, từ đó có những giải pháp cụ thể.
Chẳng hạn, với nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về trình độ hoặc ngành nghề, sẽ tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố để khảo sát, rà soát những nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động. Qua đó cũng nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để tiếp tục có những biện pháp tổ chức thực hiện kết nối cung cầu giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc.
Ông Dân cũng cho biết, ngay từ đầu năm nay, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch Hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, với mục tiêu là sẽ giải quyết việc làm cho 160.000 người lao động trên địa bàn trong năm 2022.
Theo ông Dân, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu lao động bằng hình thức kết nối online với nhà tuyển dụng, người lao động ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.
“Trong năm 2022, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức khoảng 15 phiên giao dịch việc làm lưu động và 4 phiên giao dịch việc làm chuyên đề. Đối với phiên giao dịch việc làm làm lưu động, sẽ tập trung chủ yếu cho các địa bàn có đông doanh nghiệp, khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn. Với các phiên việc làm chuyên đề, sẽ có sự lựa chọn để tổ chức, ví dụ như phiên dành cho thanh niên, người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ, phiên bán thời gian vào dịp cuối năm”, ông Nguyễn Hồng Dân thông tin.