10:59 06/07/2022

Hà Nội phản hồi về việc thực hiện quy hoạch hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu

Thanh Xuân

Trên cơ sở Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Tố Hữu, trong đó có đoạn tuyến Lê Văn Lương. Vào thời điểm này, toàn bộ trục đường Láng Hạ - Thanh Xuân đã được xác định xây dựng cao tầng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp báo quý 2/2022, Sở Quy hoạch-Kiến Trúc Hà Nội đã có thông tin phản hồi về kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng với việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu...

KẾT LUẬN CHƯA THOẢ ĐÁNG

Trên cơ sở Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/8/1998, UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Tố Hữu, trong đó có đoạn tuyến Lê Văn Lương. Vào thời điểm này, toàn bộ trục đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nối tiếp từ Giảng Võ đến Vành đai 2) đã được xác định xây dựng cao tầng. Quy hoạch chi tiết xác định chiều cao trung bình công trình từ 5,62 tầng đến 18,5 tầng (từ 1 tầng đến 33 tầng); tập trung cao nhất tại khu vực các nút giao thông của tuyến đường với các phố như Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám.

Ngoài ra, vào thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, thực hiện chủ trương của HĐND TP thông qua tại kỳ họp thứ 10 khóa XIII, ngày 7/4/2008, UBND TP ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chương trình chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong đó, tuyến đường Lê Văn Lương là một trong 12 tuyến đường UBND TP giao các sở, ngành và UBND quận, huyện tổ chức thực hiện quy hoạch chỉnh trang để tạo dựng được tuyến phố văn minh, hiện đại tại khu vực phát triển mới khu vực cửa ngõ của TP, tăng hiệu quả khai thác sử dụng đất.

Bên cạnh đó, năm 2008 cùng với việc hợp nhất TP. Hà Nội với tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, xuất phát từ chủ trương xã hội hoá, khuyến khích đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở giai đoạn này để xây dựng phương án chỉnh trang, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát quy hoạch khu vực, nghiên cứu đề xuất phương án định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan 2 bên trục đường Lê Văn Lương và đường Phạm Hùng nhằm nâng cao chất lượng cảnh quan kiến trúc đô thị hai bên các tuyến đường chính TP, xây dựng tuyến phố văn minh hiện đại, hoàn chỉnh các dự án đầu tư hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội, khuyến khích thu hút đầu tư.

Quá trình thực hiện, UBND TP. Hà Nội đã có Công văn số 1327/UBND-XDĐT ngày 18/9/2008 gửi Bộ Xây dựng, đề nghị xem xét, chấp thuận nguyên tắc nội dung nghiên cứu định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tỷ lệ 1/2000 hai bên tuyến đường Lê Văn Lương thuộc quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy làm cơ sở lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu vực này theo quy định.

Mặt khác, theo định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến đường Lê Văn Lương được UBND TP chấp thuận tại văn bản số 3362/UBND-GT ngày 25/11/2008, chức năng công cộng như khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại cao nhất là 45 tầng, chức năng hỗn hợp là 32 tầng (định hướng nghiên cứu này đã được cập nhật trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011).

"Với các định hướng tại Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, Việc UBND TP phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của TP qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Do đó, việc kết luận cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng", Sở Quy hoạch - Kiến trúc lý giải.

VIỆC ĐIỀU CHỈNH ĐẢM BẢO PHÙ HỢP QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc, điều kiện điều chỉnh quy hoạch đã được quy hoạch tại Điều 26 Luật Xây dựng 2003, Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị. Trục Lê Văn Lương phê duyệt quy hoạch năm 2002, năm 2008 hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, nên có sự thay đổi địa giới hành chính, thay đổi về kinh tế-xã hội. Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (thay thế Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/8/1998 - thay đổi quy hoạch cấp trên).

Thực hiện việc giải cứu thị trường bất động sản theo Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, điều chỉnh phục vụ đấu giá, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 ban hành thay thế Quy chuẩn xây dựng 1997, đối với chiếu với quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Thanh Bình là đảm bảo phù hợp.

Do vậy, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô trong suốt giai đoạn này.  

Trong Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần. Đối chiếu với quy định, Thanh tra Bộ Xây dựng xác định các lần điều chỉnh là chưa chính xác. Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng các văn bản như: Văn bản chủ trương của UBND TP, Văn bản trả lời liên thông của Sở, Văn bản chấp thuận Tổng mặt bằng và Phương án kiến trúc… được hiểu là các lần điều chỉnh là chưa đúng quy định nêu trên của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.

Ví dụ tại Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng công ty Thành An - Coty TNHH MTV là chủ đầu tư, theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng là điều chỉnh quy hoạch 04 lần. Tuy nhiên, xét theo nguyên tắc theo trên, thực tế UBND TP chỉ điều chỉnh quy hoạch 01 lần tại Quyết định số 2630/QĐ-UBND ngày 10/6/2011.

Còn các văn bản số 3362/UBND-GT năm 2008 của UBND TP chỉ là bước ra soát quy hoạch đô thị, định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho cả tuyến đường; số 2079/UBND-KH&ĐT ngày 30/3/2010 của UBND TP là văn bản chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu dự án; số 562/QHKT-P2 ngày 04/3/2011 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc không phải là văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng cho chủ đầu tư.

Việc không tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như Thanh tra Bộ Xây dựng nêu: Luật Xây dựng năm 2003 nói chung cũng như tại khoản 3 Phần 6 Thông tư số 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng không có quy định, yêu cầu cụ thể về tính toán giải pháp về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Thêm nữa, tại Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu đã đề xuất cân đối các chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo đơn vị ở tại các ô quy hoạch dọc hai bên tuyến đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 được UBND TP phê duyệt. Tại một số dự án, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận điều chỉnh quy hoạch khi chưa tính toán hạ tầng kỹ thuật cũng cần được xem lại.