Hà Nội quy định chi tiết về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố
UBND thành phố đã ủy quyền việc cấp giấy phép xây dựng các công trình thuộc thẩm quyền của UBND thành phố trừ nhà ở riêng lẻ với mọi quy mô cho Sở Xây dựng được thực hiện cấp giấy phép xây dựng các công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II...
UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định 7/2022/QĐ-UBND ngày 13/1/2022 quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/1/2022, thay thế Quyết định 20/2016/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 và Quyết định 12/2018/QĐ-UBND ngày 15/5/2018.
Cụ thể, về thẩm quyền cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố, UBND thành phố ủy quyền việc cấp giấy phép xây dựng các công trình thuộc thẩm quyền của UBND thành phố (không bao gồm nhà ở riêng lẻ với mọi quy mô) cho Sở Xây dựng thực hiện cấp giấy phép xây dựng các công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II.
Còn Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội sẽ được cấp giấy phép xây dựng các công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc phạm vi quản lý. Và Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cấp giấy phép xây dựng các công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II nằm trong khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc phạm vi quản lý.
Với các trường hợp đặc biệt như: nhà ở riêng lẻ nằm trên địa giới hành chính của hai quận, huyện, thị xã trở lên thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được xác định theo địa chỉ lối vào chính của công trình.
Đối với việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ theo quy định về điều kiện cấp phép xây dựng của pháp luật để cấp phép. Đồng thời thông báo đến chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm theo quy định. Nếu theo quy định cũ thì cần phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng về việc công trình đã được xử lý vi phạm.
Trường hợp có mâu thuẫn giữa các tiêu chí để xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thì Sở Xây dựng là cơ quan lựa chọn phương án thực hiện, thông báo cho các cơ quan liên quan và báo cáo UBND TP.
Trường hợp UBND cấp huyện điều chỉnh giấy phép xây dựng, nếu công trình sau điều chỉnh có quy mô từ cấp II trở lên thì UBND cấp huyện được giải quyết cấp phép sau khi có ý kiến của cơ quan cấp phép có thẩm quyền tại khoản 1 Điều 3 của quy định này là các cơ quan có thẩm quyền cấp phép các công trình từ cấp II trở lên.
Ngoài ra, thời gian tồn tại của công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn không quá 5 năm tính từ ngày được cấp giấy phép và thời hạn này có thể được gia hạn nếu chủ đầu tư yêu cầu. Còn trước đây, công trình được cấp phép có thời hạn tồn tại cho đến khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch mà không cần gia hạn