10:17 23/06/2023

Hà Tĩnh triệt phá một đường dây lớn chuyên làm văn bằng, chứng chỉ giả

Như Nguyệt

Đường dây này hoạt động từ năm 2019 đến nay, đã sản xuất, in ấn và mua bán hàng ngàn bằng cấp, giấy tờ giả cho người mua ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, số tiền hưởng lợi lên đến hơn 20 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 23/6, Cổng thông tin Công an tỉnh Hà Tĩnh phát đi thông tin cho biết,  đơn vị vừa triệt phá đường dây làm giấy tờ giả lớn trên cả nước và khởi tố đối với 24  bị can về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã lần theo các manh mối trên không gian mạng với những lời quảng cáo như nhận làm mới và cấp lại các loại CMND, căn cước, đăng ký xe, Cavet, Bằng cấp 3 đến đại học, GPLX xe máy, ô tô hạng B2, C... và tất cả giấy tờ khác, giao hàng toàn quốc",  giống 100%, bảo mật với giá 2 triệu đồng là những lời quảng cáo Facebook “Làm Bằng Các Loại”.

Sau khi vào cuộc, Công an Thành phố Hà Tĩnh xác định đây là một đường dây làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức có nhiều đối tượng tham gia, hoạt động ở nhiều tỉnh thành khác nhau, có sự câu kết chặt chẽ, phân công vai trò với từng đối tượng và có nhiều thủ đoạn để che giấu cơ quan Công an.

Qua đấu tranh, Ban chuyên án đã xác định được các đối tượng có liên quan gồm: Nguyễn Văn Giỏi (SN 1994, ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc); Phạm Văn Mạnh (SN 1982) và Nguyễn Thị Hằng (SN 1985) cùng trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội; Phạm Văn Minh (SN 1993, ở xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).

Đến ngày 17/03/2023, Công an thành phố Hà Tĩnh đã huy động 20 các bộ chiến sỹ, chia thành 03 mũi công tác để đấu tranh bắt giữ các đối tượng có liên quan. Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Văn Giỏi, Phạm Văn Mạnh, Nguyễn Thị Hằng, Phạm Văn Minh. 

Quá trình bắt giữ và khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan điều tra đã thu giữ gần 2.000 con dấu các loại của nhiều cơ quan, tổ chức trên cả nước; hơn 1.900 phôi bằng trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, chứng chỉ các loại; 4 bộ máy tính; 3 máy in màu; 1 máy khắc dấu cùng nhiều điện thoại di động và nhiều tài khoản ngân hàng các loại.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, vào năm 2019, Mạnh lên mạng xã hội tìm hiểu và nghiên cứu cách thức làm các loại giấy tờ giả rồi mua máy tính, máy in màu cùng các loại phôi bằng, chứng chỉ....

Mạnh đăng bài quảng cáo làm giấy tờ giả và tuyển cộng tác viên thì Nguyễn Văn Giỏi đã liên lạc và nhận làm cộng tác viên. Khi có khách liên hệ đặt mua các loại giấy tờ giả các đối tượng làm và yêu cầu cung cấp địa chỉ nhận hàng. Sau khi “sản xuất” xong giấy tờ giả cho khách hàng thì Minh có nhiệm vụ đi gửi cho khách theo địa chỉ mà Mạnh cung cấp. Tiền được chuyển vào một tài khoản do Mạnh quản lý là hơn 6 tỷ đồng.

Từ những đối tượng bị bắt giữ, cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng vụ án, làm rõ đối tượng Lê Văn Bộ (SN 1987, ở Thái Bình) đã bán các loại giấy tờ cho Mạnh.

Ngày 2/4/2023, Công an thành phố Hà Tĩnh thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp nơi ở đối với Lê Văn Bộ, thu giữ 01 bộ máy tính, 228 phôi bằng, 2 điện thoại di động được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Quá trình điều tra xác định Bộ từng có một tiền án về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đối tượng đã đặt mua các loại phôi bằng, chứng chỉ, giấy tờ tùy thân các loại ở Trung Quốc. Sau đó đăng bài trên trang trang mạng xã hội để bán lại cho nhiều đối tượng làm giấy tờ giả ở nhiều tỉnh thành trong cả nước nhằm hưởng tiền chênh lệch.

Tiếp tục điều tra, công an xác định thêm đối tượng Lê Hồng Tuyến (SN 1990, ở huyện Nhà Bè – TPHCM) đã nhiều lần liên hệ với Bộ để mua số lượng phôi bằng rất lớn. Nhận định Lê Hồng Tuyến cũng là một đối tượng chuyên sản xuất các loại giấy tờ giả nên Công an thành phố đã tổ chức lực lượng vào TPHCM làm rõ và bắt giữ nhóm đối tượng này.

Công an Thành phố Hà Tĩnh đã thu giữ 80 bộ tài liệu giả đã hoàn thiện và 11 con dấu của các cơ quan, tổ chức, 06 bộ máy tính, 07 máy in màu, 01 máy scan, 01 máy ép plastic, 01 máy khắc dấu, hơn 6000 phôi bằng giấy tờ, 11 điện thoại di động và hơn 10 tài khoản ngân hàng các loại. 

Từ  năm 2021 đến nay nhóm đối tượng do Lê Hồng Tuyến cầm đầu đã thu lợi bất chính số tiền 14,3 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất giấy tờ giả.

Tính đến nay đã có nhiều vụ việc làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức bị điều tra, phát giác trên toàn quốc. Chuyên án do Công an Thành phố Hà Tĩnh điều tra khám phá, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, để mỗi người không sử dụng bằng giả, trở thành “miếng ngon” béo bở của các đối tượng phạm tội.