11:13 14/06/2023

Vướng mắc trong việc xử lí dứt điểm tình trạng giả mạo hồ sơ để trục lợi bảo hiểm xã hội

Nhật Dương

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tình trạng giả mạo hồ sơ bảo hiểm xã hội, trục lợi thời gian qua dù có giảm, song vẫn chưa được giải quyết dứt điểm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian vừa qua, triển khai thực hiện một trong những chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội: “Ưu tiên đầu tư phát triển thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội”, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được bố trí nguồn lực cần thiết để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý bảo hiểm xã hội.

Điều này đã góp phần phát hiện, xử lý và hạn chế tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ, chi sai chế độ bảo hiểm xã hội. Cụ thể, trong năm 2021, thông qua Cổng tiếp nhận hệ thống giám định bảo hiểm y tế đã hỗ trợ kiểm soát dữ liệu hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, thực hiện đối chiếu, rà soát được hơn 6,5 triệu trường hợp, qua đó giúp cho việc chi trả chế độ bảo hiểm xã hội được chặt chẽ, và hạn chế trục lợi từ Quỹ bảo hiểm xã hội.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021, cũng đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội số tiền 9,5 tỷ đồng hưởng chế độ sai quy định (chiếm 0,006% tổng số tiền chi trả các chế độ trong năm).

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, nhờ công tác thanh tra, kiểm tra, tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi, mạo danh hồ sơ đều được thanh tra, xử lý ở mức cơ bản, do đó tình trạng này có giảm đi. Riêng thanh tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thời gian vừa qua đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, ban hành 205 quyết định xử phạt.

Theo Bộ trưởng, việc lập khống, làm giả hồ sơ hiện nay chủ yếu là mượn hồ sơ rồi tham gia bảo hiểm xã hội. Theo báo cáo sơ bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay số người lao động mượn hồ sơ tư pháp mà cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương đã phát hiện là hơn 3.700 trường hợp.

“Ở đây chủ yếu là do trong cùng gia đình người này mượn tên, mượn tuổi, mượn nghề nghiệp của người kia, sau đó tham gia bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Người lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Ảnh - BHXH TP.HCM. 
Người lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Ảnh - BHXH TP.HCM. 

Việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực”, và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Vì thế, đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

Trước thực tế này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và cơ quan Bảo hiểm xã hội, hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động ra cơ quan Tòa án để thực hiện thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Sau đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động theo Quyết định của Tòa án. Khi đó, người lao động mới được hưởng đúng chính sách bảo hiểm của mình.

“Chúng tôi cũng đang cùng với cơ quan Bảo hiểm xã hội nghiên cứu nhanh vấn đề này nhằm xử lý thấu tình đạt lý, làm sao để người lao động đóng bảo hiểm thật và hưởng thật”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ngoài mượn thông tin của người thân trong gia đình để tham gia bảo hiểm xã hội, việc lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội cũng nhằm hưởng các chính sách tập trung là dài hạn, ốm đau, thai sản và một phần các chế độ bảo hiểm ngắn hạn.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chế tài xử lý đã có, thậm chí cả xử lí hình sự, song do chưa thống nhất về nội hàm, nên không có cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng khởi tố.

Về các giải pháp tiếp tục khắc phục, hạn chế tình trạng trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Qua đó, để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người lao động, người sử dụng lao động đối với chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có các quy định về hành vi và chế tài xử lý đối với các hành vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ tham gia, hồ sơ thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu, các phần mềm giải quyết nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đánh giá và kiến nghị bổ sung hoặc tăng chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi11, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 15,99 triệu người, chiếm 34,28% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 1,48 triệu người, chiếm 3,15% lực lượng lao động trong độ tuổi, giảm 0,47% so với cùng kỳ năm 2022.