16:38 22/06/2007

Hai băn khoăn về cam kết kinh doanh mới

Nghị định mới đã cho phép thương nhân nước ngoài không có mặt tại Việt Nam được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp

Theo Nghị định mới, thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam được quyền mua hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo Nghị định mới, thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam được quyền mua hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu - Ảnh: Việt Tuấn.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2007/NĐ-CP cho phép thương nhân nước ngoài không có mặt tại Việt Nam (không có đầu tư trực tiếp, không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam) được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp.

Đây được xem là một tin vui cho các thương nhân nước ngoài, đồng thời là một bước thực hiện cam kết về quyền kinh doanh khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.

Theo Nghị định, thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam được quyền mua hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm đứng tên trên tờ khai hàng hoá xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Tuy nhiên, quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới thu gom hàng hoá để xuất khẩu.

Với quyền nhập khẩu, thương nhân nước ngoài được quyền nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hoá đó tại Việt Nam. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hoá tại Việt Nam.

Theo một quan chức Bộ Thương mại, đây là lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam cho phép thương nhân nước ngoài được thực hiện quyền xuất nhập khẩu đứng tên trên tờ khai.

“Nếu như trước đây, quan hệ ngoại thương chỉ có thể được thực hiện với một bên là thương nhân Việt Nam là người đứng tên trên tờ khai, thì từ nay việc thực hiện hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam và nhập khẩu vào Việt Nam có thể được thực hiện giữa các thương nhân nước ngoài với nhau - đây là một hiện tượng mới cả trong thực tiễn ngoại thương lẫn trong pháp luật của Việt Nam”, vị quan chức này nói.

Quan chức này cũng cho biết, về bản chất, đây là việc thực hiện cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam, cho phép thương nhân nước ngoài được “rộng đường” tiếp cận thị trường Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam cam kết về quyền kinh doanh đối với thương nhân nước ngoài bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do đó, đối tượng thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam sẽ thực hiện quyền kinh doanh như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP và do đó, phạm vi hoạt động phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Ông Đặng Trọng Hiếu, Luật sư Công ty Luật Vision & Associates nhận xét: “Một lợi ích khác mà Nghị định đem lại cho các thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam là giảm bớt giá bán, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất nhập khẩu nhờ loại bỏ chi phí phải trả cho công ty xuất nhập khẩu Việt Nam làm trung gian”.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, Nghị định này có 2 điều khiến ông băn khoăn.

Thứ nhất là, quy định về thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền xuất nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. “30 ngày là một thời gian khá dài, có thể gây bất tiện cho doanh nghiệp. Trong khi hồ sơ yêu cầu đối với một dự án đầu tư nước ngoài phức tạp hơn, nhưng Luật Đầu tư cũng chỉ quy định thời hạn cấp phép cho dự án đầu tư nước ngoài là 15 ngày”, ông Hiếu nói.

Băn khoăn thứ hai là, quy định tại Điều 7.1, Nghị định 90/2007-NĐ/CP yêu cầu thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam được đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện: “Không bị tước quyền hoạt động thương mại hoặc đang chịu các hình phạt liên quan đến hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật nước ngoài và pháp luật của Việt Nam”.

“Phía nước ngoài có thể đưa ra xác nhận này về thương nhân của họ, nhưng làm thế nào để phía Việt Nam làm được điều này? Cơ quan nào sẽ xác nhận việc này? Bằng chứng lấy ở đâu?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm này, ông Lê Hồng Phong, Công ty Luật Bizconsult cho rằng, các cơ quan nhà nước Việt Nam sẽ khó thu thập đủ cơ sở dữ liệu và thông tin cập nhật để có thể đưa ra xác nhận như vậy. Theo ông Phong, Bộ Thương mại nên làm rõ vấn đề này trong thông tư hướng dẫn nghị định, nếu không rất có thể đây sẽ trở thành rào cản đối với các thương nhân nước ngoài muốn kinh doanh xuất nhập khẩu tại Việt Nam.

“Bộ Thương mại cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn để các thương nhân nước ngoài có thể sớm được sử dụng những quyền mới của mình tại Việt Nam”, ông Phong nói.