14:44 01/11/2022

Hải Dương phấn đấu giảm 80% số hộ nghèo vào năm 2025

Nhật Dương

Từ nay đến cuối năm 2025, tỉnh Hải Dương phấn đấu giảm 80% số hộ nghèo và 50% số hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, tỉnh Hải Dương đặt ra chỉ tiêu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời.

Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 16 mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

 

Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Hải Dương đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,25% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%.

Tỉnh cũng phấn đấu trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng lao động có việc làm bền vững…

Đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu giải quyết các chỉ tiêu về mức độ thiếu hụt các dịch vụ cơ bản như: 100% người lao động trong độ tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu đều được hỗ trợ kết nối, tư vấn định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ việc làm...

Trong đó, tối thiểu 90% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu tìm kiếm việc làm được hỗ trợ kết nối việc làm thành công. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Hỗ trợ thêm 20% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình khi có nhu cầu tham gia; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 16 tuổi (đạt dưới 18,5%) vào năm 2025.

Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đến năm 2025 đạt 33%.

Tối thiểu 2.331 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nhà tiêu hợp vệ sinh; 35% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, tỉnh Hải Dương sẽ triển khai nhiều giải pháp như: Thực hiện cơ chế hỗ trợ địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện kế hoạch. Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn nghèo thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Đồng thời, mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của kế hoạch. Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo; không đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí.

Đặc biệt, ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân…

Để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, Hải Dương cũng thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác giảm nghèo bền vững thông qua các chương trình, phong trào, chính sách của Trung ương và của tỉnh; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện chính sách giảm nghèo, nguồn lực huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao…