Hải Dương tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong quý I/2023
Theo số liệu từ Cục Thống kê Hải Dương, quý 1/2023 tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt 8,35%, đứng thứ 9 trong 63 tỉnh, thành phố và thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng...
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đang gặp nhiều biến động khó khăn tiêu cực, Hải Dương đạt được mức tăng trưởng 8,35% là một kết quả khá ấn tượng, cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước (cả nước là 3,32%).
Đóng góp vào kết quả tích cực tăng trưởng quý 1 của Hải Dương là nhờ một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù sản xuất công nghiệp vẫn đang chịu tác động tiêu cực nhiều mặt như đơn hàng ít, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí đầu vào cao, đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu…
Tuy nhiên, do cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn Hải Dương khá đa dạng, không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu nên mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Các ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy văn phòng, ô tô và phụ tùng vẫn cơ bản duy trì được hoạt động ổn định góp phần làm tăng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất xe động cơ có đóng góp nhiều nhất với mức tăng 25,1%, tiếp đến là sản xuất và phân phối điện tăng 12,5%, sản phẩm điện tử tăng 12,3%...
Quý 1/2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hải Dương đạt 69,1 triệu USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ. Mặc dù tổng vốn FDI giảm song vốn đăng ký mới tăng 6 lần với 12 dự án trị giá 46,3 triệu USD, gồm 4 dự án ngoài khu công nghiệp có tổng vốn 9,7 triệu USD và 8 dự án trong khu công nghiệp trị giá 36,6 triệu USD.
Hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống quý 1/2023 trên địa bàn Hải Dương cũng dần ổn định với mức tăng từ 10 - 20%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,27% so với cùng kỳ do tâm lý thoải mái đón Tết Nguyên đán của người dân khi dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 18.215 tỷ đồng, tăng 17,3%. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm đạt 6.604 tỷ đồng, tăng 21,2%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 2.343 tỷ đồng, tăng 16,5%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 2.048 tỷ đồng, tăng 16,7%.
Doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 3.685 tỷ đồng, tăng 13,2%. Trong đó dịch vụ lưu trú ước đạt 81 tỷ đồng, tăng 19%; dịch vụ ăn uống đạt 1.206 tỷ đồng, tăng 18,9%; dịch vụ khác 2.378 tỷ đồng, tăng 10,1%. Doanh thu vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải ước 2.842 tỷ đồng, tăng 20,5%...
Hết quý 1/2023, tổng nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng trên địa bàn Hải Dương đều ghi nhận mức tăng trưởng, lần lượt là 9% và 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Những ngành bị giảm tăng trưởng vì phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu gồm sản xuất may mặc, giày dép giảm hơn 4% so với cùng kỳ, cùng với đó sản xuất thiết bị điện cũng giảm 23,6%, sản xuất than cốc giảm 38,2% do thị trường bị thu hẹp... Hoạt động xây dựng tăng thấp vì bất động sản "đóng băng". Mặt khác, do lãi suất tăng cao nên ít dự án mới khởi công, giải ngân vốn không cao.
Là địa phương có thế mạnh truyền thống trong sản xuất nông nghiệp và cây trồng vụ đông, quý 1/2023 sản xuất lúa đông xuân của Hải Dương cơ bản thuận lợi, bảo đảm khung thời vụ, dù diện tích gieo trồng năm 2023 đã giảm khoảng 349 ha so với năm trước.
Tuy nhiên do ảnh hưởng kinh tế chung, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp quý 1/2023 của Hải Dương cũng bị giảm nhẹ, đặc biệt là ngành chăn nuôi, dù tổng đàn lợn đạt tới gần 284.000 con, tăng 6% so với quý 1/2022 nhưng do chi phí đầu vào tăng cao và khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá lợn giảm, nên giá trị sản xuất của chăn nuôi lợn bị sụt giảm.
Các hộ nuôi thủy sản cũng gặp khó khăn tương tự, dẫn đến tình trạng người nuôi hạn chế đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Mặt khác, số lượng nông sản được cấp chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu còn ít, thương hiệu sản phẩm chưa đủ mạnh để tạo sức cạnh tranh. Do không có nhiều đột phá nên giá trị sản xuất nông nghiệp của Hải Dương quý 1/2023 không thay đổi nhiều so với cùng kỳ, với mức tăng trưởng chỉ đạt 1,8%, thấp hơn 1,7% so với quý 1/2022.