08:32 22/07/2010

Hai lần tăng giá xăng dầu liên tiếp phải cách nhau tối thiểu 30 ngày

Y Nhung

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, 30 ngày là khoảng cách tối thiểu giữa hai lần tăng giá xăng dầu liền nhau

Khi đã tăng giá bán lẻ xăng dầu, muốn tiếp tục tăng nữa, doanh nghiệp đầu mối sẽ phải chờ cho đủ 30 ngày.
Khi đã tăng giá bán lẻ xăng dầu, muốn tiếp tục tăng nữa, doanh nghiệp đầu mối sẽ phải chờ cho đủ 30 ngày.
Bộ Tài chính vừa có công văn số 8984 /BTC-QLG yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải giãn thời gian điều chỉnh giá xăng, dầu giữa hai lần tăng giá liền nhau.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được chủ động điều chỉnh giá xăng dầu theo Nghị định 84/CP nhưng  phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai lần tăng là 30 ngày (quy định tại Điều 27 của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, khoảng cách tối thiểu này chỉ là 10 ngày).

Ngoài ra, khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối phải đồng thời gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám sát việc điều chỉnh giá của thương nhân theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu trên được Bộ đưa ra khi các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối có công văn đề nghị sau thời điểm 9/6/2010, cho phép doanh nghiệp được tự quyền quyết định giá bán lẻ và thực hiện chế độ báo cáo giá xăng dầu theo quy định tại Điều 27 NĐ 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Công văn nói trên còn làm rõ: theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC thương nhân có nghĩa vụ trích lập quỹ bình ổn giá để tham gia bình ổn giá xăng dầu trên thị trường. Khi giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành, đến mức phải sử dụng quỹ bình ổn giá, Bộ Tài chính sẽ có yêu cầu doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp phần chênh lệch phát sinh giữa giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành trong thời gian doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá xăng dầu theo chỉ đạo của liên bộ Tài chính – Công Thương. Đây không phải là khoản bù lỗ cho kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

Về quy mô, cơ chế hình thành, quỹ bình ổn là khoản trích bắt buộc bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở, cả khi giá thế giới diễn biến ở mức thấp hoặc mức cao (trừ trường hợp đặc biệt) được quy định tại Điều 26 Nghị định 84/2009/NĐ-CP. Quỹ bình ổn được lập để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá.