15:21 28/04/2015

Hai nước phía nam Nga đứng bên bờ vực chiến tranh

DIỆU MINH

Các quốc gia ở phía nam Nga đang tiến gần đến một cuộc chiến tranh hơn bất cứ lúc nào trong hơn 20 năm qua

Lính Armenia trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh năm 1993 - Ảnh: Getty Images.
Lính Armenia trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh năm 1993 - Ảnh: Getty Images.
Tình trạng căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia, một nước thân phương Tây và một quốc gia thân thiết Nga, kéo dài âm ỉ trong hơn 20 năm qua. Bốn tháng đầu năm nay trở thành những tháng đẫm máu nhất tại khu vực này, khi các cuộc đụng độ giữa hai bên đã khiến 31 người thiệt mạng. Hiện cả hai nước đều tuyên bố đã sẵn sàng cho tình huống chiến tranh.

Cho đến nay, xung đột tại khu vực này ít được cộng đồng quốc tế biết đến bởi hầu hết sự chú ý tập trung vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Song nếu căng thẳng tiếp tục leo thang tại khu vực, thị trường dầu khí thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi tại đây có nhiều dự án lớn, trong đó BP và các đối tác đang vận hành các dự án trị giá hơn 50 tỷ USD tại Azerbaijan, theo Bloomberg.

Trong thời kì ổn định, các công ty trong đó có BP rót nhiều tỷ USD vào sản xuất dầu khí ở Azerbaijan và xây dựng đường ống kết nối nước này với miền nam Italy.

Nguy cơ bùng phát bạo lực gia tăng khiến cho các khoản đầu tư rơi vào rủi ro và gây mất ổn định ở khu vực bị kẹp giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran này.

Trung tâm của cuộc xung đột là vùng Nagorno-Karabakh, vốn được quốc tế công nhận như một phần của Azerbaijan, tuy nhiên cư dân tại vùng lãnh thổ này phần lớn là người Armenia. Trong thời gian gần đây, các vụ đọ súng và các sự cố khác thường xuyên xảy ra tại khu vực này.

Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc đối phương đang tiến hành "chiến tranh giấu mặt" với "các hoạt động tinh vi" từ đánh cắp thông tin tới đột nhập có vũ trang. Tổng thống Serzh Sargsyan tuyên bố chiến tranh có thể trở lại "bất cứ lúc nào".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov yêu cầu các binh sĩ "tận dụng mọi cơ hội, ngày và đêm" để tiêu diệt những người Armenia đang kiểm soát vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận thuộc về Azerbaijan.

Xung đột quy mô rộng hơn sẽ đe dọa cơ sở hạ tầng năng lượng xung quanh Azerbaijan, nơi có tuyến đường vận chuyển dầu thô từ khu vực Trung Á chạy sang phía Tây qua Nga.

Nguồn cung nhiên liệu cho các nước châu Âu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Các quốc gia vùng Caspi đã ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 45 tỷ USD với khách hàng châu Âu vào năm 2013 trong đó khí đốt sẽ được vận chuyển qua 4.000 km đường ống kéo dài từ Baku tới miền nam Italy xuyên qua Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Albania.

Hiện Azerbaijan là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba trong số các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ). Trong những năm gần đây, nước này tận dụng lợi thế dầu mỏ của mình để tăng cường sức mạnh quân sự và củng cố liên minh với Mỹ và Israel. Azerbaijan đã đầu tư mạnh cho quân sự và là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai từ châu Âu trong 5 năm qua.

Chính phủ Azerbaijan tăng chi tiêu quân sự tới 27%, lên mức 3,6 tỷ USD trong năm nay, và vượt qua tổng chi tiêu hàng năm của Armenia. Mặc dù vậy, Armenia là một thành viên của một nhóm phòng thủ chung do Nga đứng đầu và là nơi Nga đặt căn cứ quân sự.

Khi chiến tranh nổ ra năm 1993, Armenia chiếm quyền kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh và bảy quận khác của Azerbaijan quanh vùng này. Cuộc chiến khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng và 1,2 triệu người phải di tản. Hai bên sau đó đạt được lệnh ngừng bắn dưới sự thu xếp của Liên hiệp quốc.

Hiện Pháp, Mỹ và Nga đang làm trung gian đàm phán giữa Azerbaijan và Armenia, tuy nhiên vẫn chưa có thỏa thuận cuối cùng.