15:42 21/02/2024

Hải Phòng siết quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ

Trương Quốc Cường

Cục thuế Hải Phòng đã cung cấp danh sách 203 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động với 1.879 phương tiện và 1 doanh nghiệp với 728 xe chưa đăng ký thuế, đề nghị Sở Giao thông vận tải thu hồi giấy phép để tiến hành truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Dịch vụ vận tải đường của của Hải Phòng phát triển mạnh nhưng khó thu thuế
Dịch vụ vận tải đường của của Hải Phòng phát triển mạnh nhưng khó thu thuế

Ông Hà Văn Trường, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hải Phòng, cho biết, thống kê mới nhất trong năm 2023 trên địa bàn Hải Phòng có khoảng 5.168 doanh nghiệp và 3.350 hộ, cá nhân sở hữu khoảng 31.896 phương tiện vận tải được cấp phép kinh doanh vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, theo ông Trường, mặc dù hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ tại Hải Phòng đã và đang phát triển nhưng số thu thuế từ hoạt động vận tải hiện vẫn chưa tương xứng với thực tế phát sinh, nguyên nhân đến từ hàng loạt khó khăn chủ quan và khách quan.

Do đặc trưng công việc nên các doanh nghiệp, các phương tiện vận tải liên tục lưu thông, di chuyển giữa nhiều địa điểm khác nhau, gây không ít khó khăn, phức tạp trong quản lý phương tiện đối với các cơ quan chức năng chuyên ngành, nhiều phương tiện không bật giám sát hành trình liên tục mà không có chế tài xử phạt. 

Đồng thời, về cơ bản công tác quản lý ngành kinh doanh dịch vụ vận tải hiện tại vẫn theo hình thức truyền thống, công nghệ thông tin chưa được quan tâm cập nhật. Quy trình kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật đối với kinh doanh dịch vụ vận tải, giám sát hành trình phương tiện vận tải đã được áp dụng nhưng nhiều cơ quan chức năng chưa sử dụng, trong đó có cơ quan thuế.

Công tác phối hợp giữa cơ quan thuế với Sở Giao thông Vận tải chưa chặt chẽ, vẫn còn chênh lệch về số liệu phương tiện kinh doanh vận tải giữa Cục Thuế và Sở Giao thông Vận tải, có đối tượng kinh doanh vận tải đã được cấp phép thành lập đi vào hoạt động, nhưng cơ quan thuế không có thông tin… 

Việc kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố chưa đi vào nề nếp, chưa chấp hành nghiêm chỉnh chính sách pháp luật thuế, một số đối tượng được cấp phép vận tải nhưng không đăng ký thuế, không kê khai nộp thuế theo quy định. 

Một số doanh nghiệp có kê khai doanh thu nhưng chưa sát đúng với doanh thu thực tế, hoặc bỏ doanh thu ngoài sổ sách để trốn thuế. Qua kiểm tra thực tế tại một số đơn vị, việc xuất hóa đơn không đúng thời điểm quy định đã dẫn tới dữ liệu giám sát hành trình không khớp kê khai, một số doanh nghiệp vận tải bán khống hóa đơn, hợp pháp hóa chi phí cho các doanh nghiệp khác gây thất thu thuế của nhà nước.

Trước thực trạng nêu trên, cục thuế Hải Phòng đã báo cáo, tham mưu đề xuất UBND TP cho triển khai thực hiện chuyên đề “Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải bộ trong nước” với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên ngành giám sát chặt hoạt động kinh doanh vận tải. 

Sau một thời gian triển khai thực hiện chuyên đề, đến nay Cục thuế Hải Phòng đã được phép truy cập vào dữ liệu giám sát hành trình, cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu đã tham khảo để quản lý doanh thu, chi phí của doanh nghiệp áp dụng trong kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và tại trụ sở doanh nghiệp…

Sau khi thực hiện chuyên đề, đã có 55 doanh nghiệp đã tự điều chỉnh số đóng góp vào ngân sách nhà nước trong 10 tháng năm 2023 tăng 30,599 tỷ đồng so cùng kỳ. Đồng thời, Cục thuế Hải Phòng đã cung cấp danh sách 203 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động với 1.879 phương tiện và 1 doanh nghiệp với 728 xe chưa đăng ký thuế, đề nghị Sở Giao thông vận tải thu hồi giấy phép để tiến hành truy thu thuế giá trị gia tăng,  thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sở Giao thông vận tải Hải Phòng đã thu hồi giấy phép vận tải và phù hiệu của 8 doanh nghiệp và 3 hộ kinh doanh với 3.717 phương tiện và chuyển thông tin đến cơ quan thuế.

Để  tiếp tục thực hiện chuyên đề có hiệu quả trong thời gian tới, ông Trường cho biết Cục Thuế thành phố Hải Phòng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện chuyên đề trong toàn ngành Thuế và tham mưu, đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định bắt buộc phương tiện vận tải bật giám sát hành trình liên tục, đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với trường hợp vi phạm. 

Đề nghị Tổng cục Thuế tham mưu với Bộ Tài chính bổ sung một số tiêu chí bắt buộc trên hóa đơn giá trị gia tăng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải như: tên phương tiện, điểm đi, điểm đến…