16:14 19/10/2022

Hải quan Thanh Hóa thu gần 16.000 tỷ đồng, đạt 145% kế hoạch cả năm 2022

Thiên Anh

Với mục tiêu phát huy hiệu quả những chính sách ưu đãi, đặc thù, Cục Hải quan Thanh Hóa đang tích cực cùng với các sở, ban ngành của tỉnh làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh, đang làm thủ tục hải quan tại các địa phương khác ưu tiên làm thủ tục hải quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn...

Cục Hải quan Thanh Hóa
Cục Hải quan Thanh Hóa

Tháng 10/2022, có 443 lượt phương tiện XNC qua các cảng, cửa khẩu quốc tế của tỉnh, gồm: 128 lượt tàu biển (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021) và 315 lượt ô tô (gấp 2,7 lần so với cùng kỳ); tổng số lượt người XNC là 4.944 lượt, gồm: 2.339 lượt qua đường biển (giảm 2,7% so với cùng kỳ) và 2.605 lượt qua đường bộ (gấp 3,7 lần so với cùng kỳ).

Tổng số tờ khai đăng ký XNK mậu dịch đã giải quyết 9.944 tờ khai (tăng 6,8% so với cùng kỳ), với tổng trị giá hàng hóa là 882,78 triệu USD; lũy kế từ đầu năm, số tờ khai XNK mậu dịch đã xử lý là 93.616 tờ, với tổng giá trị hàng hóa 11.997,2 triệu USD (tăng 45,9% so với cùng kỳ). Đã giải quyết 01 tờ khai nhập khẩu phi mậu dịch, giá trị 939 USD, nâng lũy kế tổng số hàng hóa phi mậu dịch đã giải quyết từ đầu năm lên 79 tờ khai, tổng trị giá hàng hóa 412.205 USD.

Tổng số thu thuế hàng hóa XNK từ đầu năm đến ngày 15/10/2022 đạt 15.901,5 tỷ đồng, bằng 144,56% chỉ tiêu năm 2022 của Bộ Tài chính giao, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: thu thuế giá trị gia tăng 15.502,77 tỷ đồng (chủ yếu thu từ mặt hàng dầu thô nhập khẩu với giá trị 13.227,46 tỷ đồng/28 chuyến); thu thuế xuất khẩu 255 tỷ đồng; thu thuế nhập khẩu 115,78 tỷ đồng; thu thuế bảo vệ môi trường 15 tỷ đồng; thu thuế tiêu thu đặc biệt 22 triệu đồng; thu khác 12,9 tỷ đồng. Tổng nợ thuế chuyên thu lũy kế đến thời điểm báo cáo 2.238,3 triệu đồng, trong đó: nợ khó thu 2.069,3 triệu đồng; nợ chờ xử lý 107,7 triệu đồng; nợ có khả năng thu hồi 61,3 triệu đồng; số nợ thuế chuyên thu chủ yếu là nợ cưỡng chế (2.177 triệu đồng) tại các doanh nghiệp có nợ khó thu từ những năm trước chuyển sang, do không còn hoạt động hoặc đã bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh...

Công chức Chi cục HQCK cảng Nghi Sơn mở tờ khai cho doanh nghiệp
Công chức Chi cục HQCK cảng Nghi Sơn mở tờ khai cho doanh nghiệp

Tháng 10/2022, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, giá trị xuất khẩu ước đạt 430,6 triệu USD, tăng 7,2% so với tháng trước, bằng 90,7% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu chính ngạch ước đạt 408,8 triệu USD, tăng 7,5%; xuất khẩu tiểu ngạch và doanh nghiệp ngoài tỉnh ước đạt 8,2 triệu USD, tăng 2,9%; dịch vụ thu ngoại tệ ước đạt 13,6 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng trước.

Lũy kế giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022 của tỉnh ước đạt 4.720,9 triệu USD, tăng 3,9% so cùng kỳ và bằng 82,8% kế hoạch năm; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: hàng may mặc 42 triệu sản phẩm, giày dép 24,7 triệu đôi, xi măng 129.000 tấn, tinh bột sắn 6.000 tấn, thủy hải sản 5.400 tấn, lưu huỳnh 18.400 tấn, benzen 12.100 tấn, P-xylen 43.900 tấn...

Giá trị nhập khẩu tháng 10 ước đạt 885,9 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 58,3% so với cùng kỳ; lũy kế giá trị nhập khẩu 10 tháng năm 2022 ước đạt 7.789,9 triệu USD, tăng 42,9% so cùng kỳ (trong đó giá trị nhập khẩu chủ yếu từ khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7.284,9 triệu USD, chiếm 93,5%); các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: dầu thô 855.000 tấn, máy móc thiết bị 65 triệu USD, vải 33 triệu USD, phụ liệu may mặc và giày dép 26,9 triệu USD; phụ liệu thuốc tân dược 1,1 triệu USD...

Hoạt động thương mại nội địa tiếp tục sôi động, nhộn nhịp; hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không có hiện tượng thiếu hụt hàng hoá. Giá cả hàng hoá, dịch vụ cơ bản ổn định; tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai lũ lụt có một số mặt hàng thực phẩm về rau củ quả tại địa bàn đô thị có giá tăng nhẹ, nhưng không biến động lớn tác động xấu đến thị trường. Trong tháng, giá mặt hàng xăng dầu có điều chỉnh tăng, do nguồn cung xăng dầu trong nước bị khan hiếm, cùng với chiết khấu giảm sâu nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo điều hành, quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động bình thường, đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước đạt 13.696,5 tỷ đồng, tăng 8,7% so với tháng cùng kỳ, nhưng giảm 5,5% so với tháng trước; lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 141.327,2 tỷ đồng, bằng 97,5% so với kế hoạch cả năm 2022.

Công chức Chi cục HQCK cảng Nghi Sơn kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng Nghi Sơn. Ảnh: Phong Nhân
Công chức Chi cục HQCK cảng Nghi Sơn kiểm tra thực tế hàng hóa tại cảng Nghi Sơn. Ảnh: Phong Nhân

Theo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn Lê Hồng Phong, Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa và Nghị quyết số 248/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng đối với doanh nghiệp.

Theo đó, tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 166/2022/HĐND). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa.

Với việc ban hành Nghị quyết số 248/2022/HĐND, Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút hãng tàu trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, đầu tư, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Nghi Sơn.