Hạn chót đến gần, nhiều doanh nghiệp cố tình trì hoãn đưa trái phiếu lên sàn
Hàng nghìn mã trái phiếu riêng lẻ được các nhà phát hành cấp tập đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch lên sàn trước hạn chót 19/10/2023. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tình hình trên rất khó đạt tiến độ 100% do còn quá ít thời gian và nhiều mã trái phiếu kém chất lượng nên doanh nghiệp "chần chừ", thậm chí chấp nhận chịu phạt để ít ai thấy những góc khuất khó nói...
Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy kể từ ngày 19/7 - 02/10/2023, tổng khối lượng giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 83 triệu trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch khoảng 22.000 tỷ đồng. Trái phiếu có giá trị giao dịch cao nhất tập trung vào những mã trái phiếu như: Vinfast trên 8.400 tỷ đồng, tiếp theo là trái phiếu Vietcombank với gần 5.900 tỷ đồng, BIDV trên 3.900 tỷ đồng, còn lại giá trị giao dịch của các trái phiếu của một số đơn vị khác như: Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tradico), Masan… đều khá èo uột.
Đây toàn bộ là trái phiếu được giao dịch theo hình thức báo cáo giao dịch, với giá trị giao dịch bình quân khoảng 265 tỷ đồng/phiên và khối lượng giao dịch đạt hơn 1,5 triệu trái phiếu/phiên. Theo đánh giá, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ do HNX vận hành an toàn, thông suốt, các vấn đề kỹ thuật được đảm bảo, quy mô thị trường tiếp tục tăng trưởng và thanh khoản trái phiếu được duy trì.
CHỊU PHẠT CÒN HƠN "Ê CHỀ" LÊN SÀN?
Theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo nghị định này và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và còn dư nợ phải thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch.
Theo đó, ngày 19/10/2023 là hạn chót mà các doanh nghiệp phải đưa trái phiếu lên sàn giao dịch tập trung.
Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Theo đó, hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn, tùy theo thời gian quá hạn từ 1 tháng đến trên 12 tháng, hoặc không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán sẽ bị xử phạt từ 10 - 400 triệu đồng; đồng thời, có thể bị xử phạt bổ sung tùy theo mức độ và hành vi.
Sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, sàn mới tiếp nhận gần 100 mã trái phiếu của 29 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Như vậy, theo tính toán, còn đến cả nghìn mã trái phiếu đã phát hành riêng lẻ sẽ “đổ xô” đưa giao dịch tập trung trong một tháng “nước rút”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, rất khó để toàn bộ 100% mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn giai đoạn này.
Theo phân tích của ông, thứ nhất, số lượng và giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn lại quá lớn, rất khó để hàng nghìn mã trái phiếu lên sàn kịp tiến độ. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có giải pháp phù hợp hơn với tình hình thị trường.
Thứ hai, với trái phiếu chất lượng chưa tốt, nhà phát hành đang tập trung mua lại trái phiếu, một phần vì sau khi đưa lên sàn, trái phiếu tiếp tục chậm trả nợ có thể gây bất lợi cho chính nhà phát hành.
Vì vậy, ông Thuân phỏng đoán doanh nghiệp sẽ chấp nhận chịu phạt hành chính do chưa kịp kê khai còn hơn đưa trái phiếu lên sàn.
Thực tế cho thấy gần đây, nhiều công ty tiếp tục chi hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thu gom trái phiếu đã phát hành thay vì chờ đến thời điểm đáo hạn, một phần giải phóng doanh nghiệp khỏi các nghĩa vụ trong tương lai với các trái chủ, đặc biệt là thoát nỗi lo vì yêu cầu công bố thông tin. Đây cũng cơ hội để nhà phát hành tái cơ cấu tìm nguồn tiền khác có lãi suất thấp hơn hoặc giảm nợ.
Theo chia sẻ của đại diện một nhà phát hành, đơn vị đang tích cực triển khai để có thể nộp hồ sơ đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch trước hạn (ngày 19/10). Tuy nhiên, theo ông này, doanh nghiệp dự kiến sẽ cấp tập mua lại trước hạn một số mã trái phiếu riêng lẻ đúng thời điểm này. Vì vậy, doanh nghiệp bày tỏ sự thắc mắc trong trường hợp các đơn vị đang thẩm định hồ sơ đăng ký lưu ký, các thủ tục này chưa hoàn tất, việc mua lại trái phiếu trước hạn thực hiện ra sao và nhà phát hành có thể rút đơn đăng ký để mua lại trước hạn hay không?
Về vấn đề này, trao đổi gần đây, ông Phạm Trung Minh, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), cho biết doanh nghiệp biết rõ nhất có kịp mua lại trái phiếu trước ngày 19/10 hay không. Khi đó, nếu kịp mua lại trước hạn thì doanh nghiệp không phải đăng ký tại VSDC, còn vẫn vướng dù chỉ 1, 2 ngày thì phải đăng ký theo quy định, sau đó làm thủ tục huỷ đăng ký.
CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC
Nhiều vướng mắc khác cũng được doanh nghiệp phản ánh khi chuẩn bị hồ sơ đưa trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn.
Theo ghi nhận, hiện có một số khác biệt giữa quy định về hồ sơ đăng ký giao dịch tại Nghị định 65 và phần tài liệu gửi kèm tại mẫu giấy đề nghị đăng ký giao dịch (Phụ lục số 6). Theo đó, có ý kiến thắc mắc doanh nghiệp tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con thì nộp báo cáo riêng hay cả báo cáo riêng và báo cáo hợp nhất tại hồ sơ đăng ký giao dịch.
Một vướng mắc khác là khi công ty phát hành trái phiếu, cấp phê duyệt là đại hội đồng cổ đông và trong nghị quyết của đại hội đồng cổ đông cho phép hội đồng quản trị phê duyệt thêm các nội dung khác nếu pháp luật yêu cầu và báo cáo đại hội đồng cổ đông sau.
Như vậy, “trường hợp hội đồng quản trị của doanh nghiệp phê duyệt cho phép công ty thực hiện đăng ký giao dịch và sẽ báo cáo hội đồng cổ đông sau có đáp ứng theo yêu cầu của Nghị định 65 không?”, một doanh nghiệp đặt vấn đề.
Hay trường hợp trái phiếu đã đăng ký giao dịch tập trung nhưng phát sinh sự kiện vi phạm về thanh toán hoặc vi phạm các cam kết khác thì có được tiếp tục giao dịch hay không?
Một đơn vị khác băn khoăn việc doanh nghiệp đã sử dụng hết số tiền thu được từ việc phát hành và đã thực hiện kiểm toán tình hình sử dụng. Tuy nhiên, trái phiếu vẫn còn dư nợ thì doanh nghiệp có phải tiếp tục kiểm toán báo cáo tình hình sử dụng vốn hay không?
Đại diện HNX và VSDC khẳng định sự hỗ trợ tích cực các tổ chức phát hành và các tổ chức tư vấn trong việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch song cũng yêu cầu tổ chức phát hành cũng phải lên kế hoạch chủ động về thời gian xử lý hồ sơ cũng như tăng trách nhiệm trong khâu làm hồ sơ, đảm bảo đáp ứng thời hạn của Nghị định 65 nhưng vẫn phải đảm bảo các trình tự, thủ tục và quy định pháp lý.
Chia sẻ gần đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng cho rằng dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có những chuyển biến tích cực nhưng số lượng trái phiếu lên đăng ký giao dịch so với con số thuộc diện phải đăng ký, lưu ký và giao dịch còn khiêm tốn.
"Việc đáp ứng kịp thời hạn 3 tháng kể từ ngày hệ thống giao dịch vận hành chính thức phải hoàn thành đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch các trái phiếu theo quy định trước ngày 19/10/2023 đang đặt ra áp lực rất lớn cho các tổ chức phát hành, cũng như cho cả VSDC và HNX", ông Sơn đánh giá.
Để đạt kết quả đúng tiến độ, theo lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trách nhiệm tiên quyết là của các tổ chức phát hành.
Bên cạnh đó, HNX, VSDC và các đơn vị liên quan, cũng như các công ty chứng khoán thành viên giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cần đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp phát hành nắm bắt được quy định pháp lý và chủ động nộp hồ sơ đăng ký trái phiếu. Ông Sơn cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tìm giải pháp để nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia tích cực hơn trên thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thứ cấp.
Đưa ra gợi ý để sàn thoát cảnh giao dịch “chợ chiều” như hiện nay, theo Chủ tịch FiinGroup, có lẽ thị trường phải chờ đợi một chu kỳ mới, thanh lọc nhà phát hành và đưa những mã trái phiếu có chất lượng tốt hơn, minh bạch hơn lên hệ thống. Khi đó mới thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, bởi nếu chỉ có tổ chức giao dịch thì có thể giá trị lớn nhưng lượng giao dịch vẫn sẽ nhỏ giọt.
Theo quan sát, một số doanh nghiệp đưa trái phiếu chất lượng tốt sàn niêm yết thì trái tức thấp hơn so với lãi suất danh nghĩa trước đây phát hành. “Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên và giá trị của việc đưa trái phiếu lên giao dịch tại thị trường thứ cấp và sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có chất lượng tín dụng cải thiện có thể thuận lợi hơn trong việc huy động trái phiếu hoặc tái cấu trúc nợ thời gian tới”, ông Thuân đánh giá.
Dù vậy, thị trường trái phiếu thứ cấp khó có thể kỳ vọng thanh khoản bùng nổ tỷ đô như trên thị trường cổ phiếu. Còn hiện nay, theo vị này, thị trường cần thời gian để “dọn dẹp” số lượng lớn nhà đầu tư không chuyên nghiệp trước đây dùng nhiều cách thức “lách” mua trái phiếu nhưng bây giờ không được phép giao dịch trên hệ thống.