21:43 03/10/2017

Hàn Quốc gọi điện hai lần mỗi ngày nhưng Triều Tiên không trả lời

An Huy

Trong suốt 18 tháng ròng rã, không một cuộc gọi nào của Hàn Quốc được Triều Tiên bắt máy

Lính Hàn Quốc và Triều Tiên đứng gác ở khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền.<br>
Lính Hàn Quốc và Triều Tiên đứng gác ở khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền.<br>
Mỗi ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đều cử cán bộ đến ngôi làng Bàn Môn Điếm ở biên giới hai miền bán đảo để gọi điện cho Triều Tiên vào lúc 9h sáng và 4h chiều. Trong suốt 18 tháng ròng rã, không một cuộc gọi nào của Hàn Quốc được Triều Tiên bắt máy.

Hãng tin AP cho biết, trong bối cảnh Triều Tiên đẩy mạnh các vụ thử vũ khí hạt nhân và gia tăng đe dọa, Bộ Thống nhất của Hàn Quốc - cơ quan chịu trách nhiệm về cải thiện quan hệ Hàn-Triều và tiến tới thống nhất hai miền trong hòa bình - gần như phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sống còn.

Cách đây chưa lâu, Bộ Thống nhất còn là một trong những cơ quan quyền lực nhất ở Seoul. Bộ này từng giữ vai trò trung tâm trong việc sắp xếp hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo hai miền và mở các dự án kinh tế chung giữa hai miền vào thập niên 2000. Nhưng những thành quả này gần như đã bị xóa sạch sau một thập kỷ khi phái bảo thủ có quan điểm cứng rắn nắm quyền ở Hàn Quốc, và Triều Tiên phát triển nhanh chóng chương trình vũ khí của mình.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân giờ đây không còn là vấn đề riêng bán đảo Triều Tiên nữa, mà là một vấn đề quốc tế. Thế giới đã đáp trả bằng cách siết chặt lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Ở Hàn Quốc, những quyết định quan trọng nhất về Triều Tiên giờ đến từ văn phòng Tổng thống, cùng các bộ Quốc phòng và Ngoại giao.

Bởi vậy, Bộ Thống nhất gần như chỉ còn lại nhiệm vụ ra tuyên bố chỉ trích, lên án các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Cần phải có hai bàn tay để tạo thành tiếng vỗ tay, nhưng Triều Tiên không hề trả lời chúng tôi. Nhưng mọi chuyện sẽ không thế này mãi. Trước đây, có những thời điểm phải mất 1-2 năm để quan hệ giữa hai miền cải thiện sau một thời gian căng thẳng”, phát ngôn viên Baik Tae-hyun của Bộ Thống nhất phát biểu.

Việc ông Moon Jae-in, một người thuộc phái tự do, đắc cử Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 5 năm nay, chấm dứt 9 năm phái bảo thủ cầm quyền ở nước này, đã từng làm dấy lên những tia hy vọng về khởi sắc quan hệ Hàn-Triều. Tuy nhiên, đến nay, Bình Nhưỡng vẫn phớt lờ đề xuất mà Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra hồi tháng 7 về tổ chức đàm phán quân sự và Chữ Thập đỏ giữa hai miền.

Khi tình thế thay đổi, không rõ Bộ Thống nhất nên làm gì và có thể làm gì.

Suốt từ năm 2008 đến đầu năm nay, các chính phủ bảo thủ nối tiếp nhau ở Hàn Quốc đã giữ lập trường cứng rắn với Triều Tiên, khiến những nỗ lực hòa giải trước đó bị xóa sạch.

Quan hệ giữa hai miền đã xuống rất thấp dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak, người lên nắm quyền vào đầu năm 2008. Vào năm 2010, Triều Tiên đã tấn công một chiến hạm và một hòn đảo của Hàn Quốc gần biên giới, khiến tổng cộng 50 người Hàn Quốc thiệt mạng. Khi đó, ông Lee dự định đóng cửa Bộ Thống nhất và chuyển giao chức năng của bộ này cho Bộ Ngoại giao.

Bà Park Geun-hye thậm chí còn cứng rắn hơn với Triều Tiên sau khi nước này có hai vụ thử hạt nhân trong thời gian bà làm Tổng thống Hàn Quốc. Hồi tháng 2/2016, chính quyền Park Geun-hye đã rút các công ty Hàn Quốc khỏi Kaesong, khu công nghiệp chung được xem là biểu tượng hợp tác liên Triều.

Theo một số chuyên gia, đã lỗi thời khi cho rằng chỉ cần quan hệ Hàn-Triều cải thiện là sẽ đạt được bước tiến mang tính đột phá trong vấn đề hạt nhân, bởi mối đe dọa từ Bình Nhưỡng hiện nay không còn yếu ớt như trước kia nữa.

Tuy nhiên, ông Chung Dong-young, một luật sư từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Thống nhất dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun, không đồng tình với quan điểm này. Ông Chung nói Hàn Quốc vẫn cần phải nỗ lực để nối lại đàm phán với Triều Tiên.

Chính ông Chung đã tới Bình Nhưỡng vào năm 2005, gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Il và thuyết phục ông Kim trở lại với cuộc đàm phán đa phương về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, với sự tham gia của hai miền, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Ba tháng sau đó, Triều Tiên nhất trí trở lại bàn đàm phán ở Bắc Kinh, nhất trí chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy những lợi ích an ninh và năng lượng.

“Đó là khi Hàn Quốc thực sự làm chủ tình thế”, ông Chung nói. Tuy nhiên, thỏa thuận 6 bên đạt được vào tháng 9/2005 đã nhanh chóng đổ vỡ, và Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này vào tháng 10/2006.