06:00 09/07/2024

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang chịu mức thuế cao tại Brazil

Vũ Khuê

Brazil là một đối tác thương mại tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đồng thời là thị trường tương đối dễ tính, nhưng điểm trừ là khoảng cách địa lý xa, mức thuế nhập khẩu vào nước này cao; riêng với sản phẩm dệt may, da giày đã lên tới 35%...

Xuất khẩu sản phẩm da giày của Việt Nam sang Brazil chịu mức thuế lên tới 35%. Ảnh minh họa.
Xuất khẩu sản phẩm da giày của Việt Nam sang Brazil chịu mức thuế lên tới 35%. Ảnh minh họa.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại ASEAN. Nhu cầu thị trường Brazil rất lớn và cũng là thị trường tương đối dễ tính, không quá khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng.

Brazil là một đối tác thương mại hết sức tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhờ lợi thế về dân số đông, nhu cầu tiêu dùng lớn và là nền sản xuất công nghiệp, nông nghiệp phát triển.

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và có nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Brazil, bao gồm có ngành hàng dệt may, da giày, cao su, sản phẩm điện tử, thủy sản.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 1,14 tỷ USD, tăng 1,5%, Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 2,35 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023.

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Brazil trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng ở một số mặt hàng, như túi sách, vali (đạt 13,5 triệu USD, tăng 41%), phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 153,6 triệu USD, tăng 15%), sắt thép các loại (đạt 123,8 triệu USD, tăng 23%), cao su (đạt 10,2 triệu USD, tăng 88%), điện thoại và linh kiện (đạt 290 triệu USD, tăng 7%). Mặt hàng hàng thủy sản tăng ổn định (đạt gần 46 triệu USD, tăng 45%).

Một số sản phẩm có chiều hướng xuất khẩu giảm như: xơ, sợi, dệt các loại (đạt 17,5 triệu USD, giảm 3%), máy móc và thiết bị (đạt 98,4 triệu USD, giảm 7%), hàng dệt may (đạt 24,4 triệu USD, giảm 9%).

Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Tỵ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil, cho biết trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Brazil vẫn còn gặp một số khó khăn do khoảng cách địa lý xa, chi phí logistics ngày càng tăng cao, trở ngại về mặt ngôn ngữ…

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang Brazil vẫn đang gặp phải một số khó khăn về mức thuế nhập khẩu (ví dụ lên tới 35% đối với sản phẩm dệt may, da giày) do hai nước chưa cùng là thành viên trong hiệp định thương mại tự do nào cả. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước này.

Chính vì vậy, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này, ông  Tỵ kiến nghị cơ quan chức năng cần triển khai các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các Hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương của Việt Nam và Brazil.

"Chúng ta nên xúc tiến khởi động đàm phán FTA với Khối MERCOSUR mà Brazil là thành viên lớn nhất để các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hưởng mức thuế ưu đãi tốt hơn, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh trong việc thâm nhập thị trường", ông Tỵ đề nghị; đồng thời cho rằng cần nghiên cứu, phát triển thị trường logistics với Brazil, vì đây là điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất (cả về đường hàng không lẫn đường biển) tại khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, cần mở đường bay thẳng đến Sao Paulo.

Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Brazil mong muốn có những hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện phát triển kinh doanh của người Việt tại địa bàn, đó cũng là kênh quan trọng để đưa hàng hóa của Việt Nam vào khu vực Nam Mỹ.

Về phía Thương vụ, ông Tỵ cho biết những tháng cuối năm, Thương vụ sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan sở tại để đẩy mạnh các kênh xuất khẩu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tăng xuất khẩu vào Brazil và các nước kiêm nhiệm.

Cụ thể, Thương vụ sẽ tham gia các hoạt động tại Hội chợ Thủy sản Mỹ Latinh tại Brazil trong tháng 10 (Seafood Latin Show 2024), và các hội chợ thực phẩm, đồ gia dụng, sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ, hội chợ tổng hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và một số hội chợ khác.

Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm Việt Nam, do đó các doanh nghiệp quan tâm, tham dự các hội chợ tại Brazil để xúc tiến xuất khẩu và cả nhập khẩu mặt hàng nguyên liệu cần thiết cho nhu cầu sản xuất và chế biến trong nước để tái xuất khẩu.

Thương vụ tiếp tục làm việc, kết hợp với các doanh nghiệp, cơ quan phía bạn để vừa xúc tiến xuất khẩu, đồng thời kịp thời phát hiện, cảnh báo phòng ngừa nguy cơ bị phía bạn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như xem xét hạn chế nhập khẩu, chống bán phá giá….

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, Brazil là thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng rất khó khăn. Vì vậy nhiệm vụ của Thương vụ càng lớn, vai trò Thương vụ càng được coi trọng. Được biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đến Brazil tham Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới, do đó Thương vụ cần có những kiến nghị gửi về sớm, nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho doanh nghiệp trong thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.