09:14 10/06/2024

“Mùa vui” cho du lịch bền vững tại Ninh Bình

Tường Bách

Ninh Bình không chỉ được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh mà còn giàu tiềm năng du lịch văn hóa. Tận dụng lợi thế ấy, nhiều sản phẩm du lịch đã phát triển, trong đó dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái được người dân đầu tư, kinh doanh hiệu quả…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, quy hoạch tổng thể du lịch của Ninh Bình đều ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 18 khu, điểm du lịch chính được đầu tư hoàn thiện và đi vào phục vụ khách du lịch. Trong đó, 13 khu, điểm du lịch sinh thái đều có sự tham gia trực tiếp của người dân địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 265 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ làm du lịch cộng đồng, phổ biến nhất là mô hình homestay, farmstay.

KIÊN ĐỊNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH XANH

Mô hình homestay là loại hình "du lịch xanh", thay vì chọn những nhà nghỉ, khách sạn du khách đang có xu hướng ở tại nhà của người dân địa phương để tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống bản địa. Du khách khi đến đây, ngoài dịp được trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày như: đi chợ, nấu ăn, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, tát nước bằng gầu ở bờ ruộng, còn được tham gia tour du lịch bằng xe trâu, xe bò, ngồi thuyền nan chiêm ngưỡng vẻ đẹp non nước hữu tình…

Tại huyện Hoa Lư, dịch vụ lưu trú này đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Vợ chồng anh Thiêm và chị Hương là chủ homestay Tam Coc White Swan cho biết: “Khách đến homestay gần như 100% chủ yếu là người Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha,... Họ du lịch với mục đích trải nghiệm nên muốn ở nhà dân để được khám phá đời sống của người Việt. Họ thường ở lại từ 1 tuần đến cả tháng”.

Quy hoạch tổng thể du lịch của Ninh Bình ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Quy hoạch tổng thể du lịch của Ninh Bình ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình, địa thế địa kinh tế, địa văn hóa của Ninh Bình tương đối đặc biệt, nằm ở cuối tây nam của đồng bằng sông Hồng, có tài nguyên thiên nhiên đặc trưng trong vùng bán sơn địa chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, miền Bắc và miền Trung, là kinh đô đầu tiên của Đại Cồ Việt cách đây hơn 1.000 năm.

Những tài nguyên địa lý và văn hóa đó đã và đang được Ninh Bình kế thừa trong định hướng xây dựng và phát triển đô thị di sản cố đô thiên niên kỷ. Tỉnh đã chuyển hướng tập trung dành nguồn ngân sách đầu tư thỏa đáng cho hạ tầng vật chất và giao thông, phục dựng nhiều lễ hội, bảo tồn nhiều di tích… nhằm phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển rất cao với cả lượng khách trong nước và quốc tế. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức khiến Ninh Bình có thể trở thành "điểm nóng" trong vấn đề môi trường. Chính vì thế, việc đi theo hướng xanh là xu hướng tất yếu, là con đường phát triển xuyên suốt, bền vững mà Ninh Bình cần tiếp tục kiên định và nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới. 

Hiệp hội Du lịch Ninh Bình hiện nay có 125 thành viên là đại diện các khu điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp...), xây dựng sản phẩm du lịch xanh; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn…; vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch... 

Tỉnh đã phục dựng nhiều lễ hội, bảo tồn nhiều di tích… nhằm phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. 
Tỉnh đã phục dựng nhiều lễ hội, bảo tồn nhiều di tích… nhằm phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. 

Đặc biệt vừa qua, Ninh Bình là một trong 2 địa phương trên cả nước được lựa chọn thực hiện thí điểm Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch Việt Nam". Đến thời điểm này có hơn 40 doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp không rác thải nhựa, nhiều hội thảo và các lớp tập huấn đã được tổ chức thành công góp phần nâng cao nhận thức về du lịch xanh, hạn chế rác thải nhựa của cả người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương. 

KHAI THÁC DANH THẮNG TRÀNG AN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG

Có thể nói, điểm nhấn của du lịch Ninh Bình là di sản Tràng An - nơi sở hữu kho tư liệu lịch sử trái đất, có đặc điểm địa chất, địa mạo đặc sắc, thể hiện rõ các giai đoạn tiến hóa cảnh quan karst trong môi trường nhiệt đới ẩm. Bên cạnh đó, với trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử và khảo cổ học liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… đã được phát hiện, Tràng An chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, phong phú về cảnh quan và giá trị lịch sử cần tìm hiểu, khám phá.

Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh Ninh Bình với các mục tiêu phát triển bền vững luôn đặt con người là trung tâm, là mục tiêu cho sự phát triển theo đúng tinh thần Công ước Di sản thế giới, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong tương lai, Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung bảo tồn các giá trị của di sản, đảm bảo các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích khảo cổ và môi trường tự nhiên tại Quần thề danh thắng Tràng An.

"Quần thể danh thắng Tràng An sẽ là hạt nhân trong chủ trương xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản của UNESCO mà tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực bồi đắp nét vàng son của dòng chảy lịch sử, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, để vươn lên một tầm cao mới, ở một vị thế cao hơn, tương xứng hơn", ông Tùng chia sẻ.

Quần thể danh thắng Tràng An sẽ là hạt nhân trong chủ trương xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Quần thể danh thắng Tràng An sẽ là hạt nhân trong chủ trương xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ.

Trong khuôn khỏ chuỗi các hoạt động của Tuần Du lịch Ninh Bình vừa qua, Sở Du lịch tỉnh đã phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Chương trình Khảo sát các sản phẩm, tour, tuyến, dịch vụ du lịch tại động Thiên Hà, động Thiên Thanh. Đây là những hang động nằm ẩn mình trong dải núi Tướng - một ngọn núi thuộc dãy núi Tràng An, vốn được xem như một vọng gác tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư xưa. Hệ thống hang động đến nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, lung linh với những nhũ đá đẹp.

Sắp tới, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản đồng ý giao cho Sở Du lịch tỉnh này tổ chức "Lễ hội khinh khí cầu - dù lượn Tràng An - Cúc Phương" vào tháng 9/2024. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, lễ hội được xem là sản phẩm du lịch mới trong mùa thấp điểm của du lịch Ninh Bình, nhằm khai thác tiềm năng du lịch thể thao. Hiện tại, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội được diễn ra an toàn.

 

Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Tuần Du lịch Ninh Bình 2024 với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” từ ngày 1 - 8/6, tỉnh Ninh Bình ước đón 285.000 lượt khách, tăng 65,6% so với sự kiện tổ chức năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đón 61.000 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với dịp năm 2023. Công suất sử dụng phòng khách sạn toàn tỉnh đạt khoảng từ 70 - 75%; riêng khu vực Tam Cốc, công suất sử dụng phòng trung bình đạt 85 - 90%, trong đêm khai mạc đạt 100%.