19:15 25/07/2017

Hàng loạt bê bối đe dọa tương lai Thủ tướng Nhật

An Huy

Cho tới gần đây, ông Abe vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục ra tranh cử và thắng cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) - Ảnh: EPA/BBC.<br>
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) - Ảnh: EPA/BBC.<br>
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đối mặt với thách thức kép, bao gồm tỷ lệ ủng hộ sụt giảm chóng mặt và sự thiếu niềm tin ngày càng lớn vào vai trò lãnh đạo của ông - theo hãng tin BBC.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy tỷ lệ cử tri Nhật ủng hộ ông Abe đã giảm xuống dưới mức 30%. Hai ngày đầu tuần này, ông Abe đã ra điều trần trước Hạ viện và Thượng viện Nhật về những cáo buộc cho rằng ông lạm dụng quyền lực chính trị để giúp một người bạn lâu năm.

Dù ông Abe khẳng định không làm gì sai, giới quan sát cho rằng những cáo buộc dai dẳng này có thể đe dọa tương lai chính trị của ông.

Vòng xoáy đi xuống

Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Abe đã không ít lần vượt qua khủng hoảng. Sau nhiệm kỳ Thủ tướng ngắn ngủi đầu tiên, ông Abe trở lại vị trí này vào năm 2012 với lời hứa sẽ đưa nền kinh tế Nhật thoát khỏi tình trạng trì trệ đã kéo dài nhiều thập kỷ.

Cho tới gần đây, ông Abe vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục ra tranh cử và thắng cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2018. Nếu điều này xảy ra, ông sẽ là nhà lãnh đạo Nhật phục vụ lâu năm nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Tỷ lệ ủng hộ sụt giảm mạnh của ông Abe xuất phát từ loạt vụ bê bối gần đây và cách ông xử lý những vụ việc này. Những cáo buộc nhằm vào ông hiện nay xoay quanh vấn đề thiên vị cá nhân. Những người chỉ trích ông Abe nói ông đã sử dụng quyền lực để giúp một người bạn thân được cấp phép mở một trường thú y tư nhân.

Cáo buộc trên đến từ một cựu quan chức Bộ Giáo dục Nhật Bản nói rằng ngôi trường được cấp phép là do sức ép từ các trợ lý của ông Abe. Ngôi trường thú y này được mở trong bối cảnh Nhật Bản không cần có thêm một ngôi trường như vậy, và trong hơn 5 thập kỷ qua, không khi nào nước này cấp phép mở một trường thú y nào.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Abe đối mặt với những cáo buộc như vậy. Hồi tháng 3, một trường tiểu học tư thục bị phát hiện đã mua được đất công với giá rẻ bất ngờ. Đây lại là ngôi trường đang bị chỉ trích vì chương trình học mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa, trái ngược với xu hướng của Nhật Bản thời hậu chiến tranh là dịch chuyển khỏi chủ nghĩa dân tộc.

Mối liên hệ giữa ông Abe với ngôi trường tiểu học này đến từ phu nhân của ông, người là “hiệu trưởng danh dự” của trường. Sau đó, người đứng đầu trường này ra điều trần nói ràng bà Abe đã có một khoản tài trợ lớn dành cho trường, và khoản tài trợ bị cho là đứng tên ông Abe.

Những vụ bê bối trên khiến dư luận Nhật xôn xao và đẩy tỷ lệ ủng hộ ông Abe rơi vào một vòng xoáy đi xuống, bất chấp ông phủ nhận có hành động sai.

Vấn đề chính sách

Một số chính sách của Thủ tướng Abe cũng khiến ông mất lòng cử tri Nhật.

Vào năm 2015, khi Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy sự dịch chuyển trong chính sách quốc phòng, tỷ lệ ủng hộ ông Abe cũng giảm mạnh, có lúc xuống 37%. Những cải cách mà ông Abe đưa ra cho phép quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đối với nhiều người Nhật, đây là một sự vi phạm những điều khoản hòa bình trong hiến pháp nước này.

Ý định được tuyên bố của ông Abe về cải tổ hiến pháp vào năm 2020 nhằm mở rộng vai trò của quân đội Nhật cũng gây nhiều tranh cãi. Chưa kể, đầu năm nay, Nhật đã thông qua một đạo luật chống khủng bố mới, bất chấp sự phản đối của một bộ phận chính trị gia và cử tri cho rằng đạo luật này ảnh hưởng đến các quyền tự do dân sự.

Những phản đối này nhằm vào ông Abe lại đang nổi lên xung quanh một vụ bê bối liên quan đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. Được xem là một người thân cận với ông Abe, bà Inada bị cáo buộc dính líu đến việc che giấu những tài liệu về một chiến dịch gìn giữ hòa bình nhạy cảm có sự tham gia của binh sỹ Nhật ở South Sudan.

Bà Inada và Chính phủ Nhật cùng phủ nhận cáo buộc cho rằng tình hình an ninh xấu đi trong chiến dịch trên đã bị che giấu. Nhưng các nhà phê bình nói rằng đây là một ví dụ nữa cho thấy sự thiếu trách nhiệm của Chính phủ Nhật đối với công dân của mình.

Những tác động


Đúng như dự báo, trong phiên điều trần ngày thứ Hai trước Hạ viện và ngày thứ ba trước Thượng viện Nhật, ông Abe đã phủ nhận những cáo buộc về thiên vị cá nhân. Ông nói ông chưa bao giờ chỉ đạo các quan chức ưu ái người bạn của mình, và khẳng định không bao giờ có những ưu ái như vậy.

Tuy nhiên, với tỷ lệ ủng hộ cá nhân sụt giảm, ông Abe đang bị đổ lỗi là người dẫn tới thất bại của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong các cuộc bầu cử địa phương mới đây ở Tokyo và Sendai.

Đầu tháng nay, tờ báo bảo thủ hàng đầu của Nhật là Yomiuri nói Chính phủ Nhật sẽ không thể lấy lại niêm tin của người dân “trừ phi chịu thay đổi bản chất ngạo mạn”. Giới truyền thông Nhật thì đang đồn đoán liệu những vụ bê bối trên có thể ảnh hưởng đến cơ hội có thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba của ông Abe hay không.

Áp lực đối với ông Abe là lớn đến nỗi ông tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc cải tổ nội các trong mùa hè năm nay. Những thay đổi nhân sự mà ông thực hiện chắc chắn sẽ bị “soi” kỹ.