Hành trình đưa “đại gia” bán dẫn Mỹ về Việt Nam
Hơn một thập kỷ trước, khi ngành công nghiệp bán dẫn còn là lĩnh vực ít được chú ý, Marvell Technology – một trong những tên tuổi lớn của Mỹ trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn - đã sớm vào Việt Nam dưới sự dẫn dắt của một người Việt, mang trong mình niềm tin về một ngày Việt Nam sẽ phát triển thành công ngành công nghiệp này...
Năm 2013, TS. Lê Quang Đạm, CEO Marvell Technology Việt Nam, khi đó là Giám đốc Kỹ thuật của “đế chế” bán dẫn tại Thung lũng Silicon (Mỹ), đã “xung phong” trở về Việt Nam nhận nhiệm vụ xây dựng Văn phòng Marvell bắt đầu từ con số không.
“Hơn 20 năm tại nước ngoài, tôi đương nhiên đã hòa nhập với cuộc sống bên đó, cùng với môi trường sống và nhiều cơ hội thăng tiến. Có thể với nhiều người, một cuộc sống ổn định như vậy thì khó có thể từ bỏ. Nhưng tôi thì khác. Trong suốt nhiều năm, tôi vẫn luôn mong muốn được quay về Việt Nam. Canada và Mỹ giống như một phần cuộc đời tôi, nhưng chỉ khi quay về Việt Nam tôi mới thấy mình được về nhà”
Sinh ra tại Huế, ngay từ nhỏ ông Đạm đã có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn vật lý và toán, yếu tố quan trọng sau này đưa ông đến với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Với thành tích học tập xuất sắc không chỉ với các môn học tự nhiên mà còn cả các môn học xã hội, mùa hè năm 1983, ông Đạm tốt nghiệp thủ khoa cấp ba trường Trung học Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 9/1983, với niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn vật lý, ông Đạm theo học ngành vật lý tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Là một trong số ít sinh viên xuất sắc, ông được trường giữ lại làm giảng viên ngay sau khi tốt nghiệp, đồng thời tiếp tục làm nghiên cứu sinh trong chương trình học Tiến sĩ.
Sự nghiệp của ông bước sang ngã rẽ mới vào năm 1991 khi ông nhận được học bổng thạc sĩ chuyên ngành vật lý tại Canada. Thời gian sau đó, ông tiếp tục học lên tiến sĩ, rồi “hậu” tiến sĩ ngành xử lý tín hiệu số, chuyên ngành liên quan mật thiết đến ngành công nghiệp bán dẫn.
VIỆT NAM CÓ ĐỦ NGƯỜI TÀI ĐỂ PHÁT TRIỂN BÁN DẪN
Cuối năm 1997, sau khi hoàn thành chương trình học hậu tiến sĩ, ông Đạm quyết định ở lại làm việc tại Canada thêm một thời gian để mở rộng kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, với mong muốn trở về giảng dạy tại Việt Nam.
Giống như bao kỹ sư mới ra trường, ông Đạm bắt đầu sự nghiệp từ những vị trí cơ bản như thiết kế và kiểm tra hệ thống FPGA, thiết kế thuật toán, thiết kế phần mềm và phần cứng, kiểm tra vật lý PnR... Theo thời gian, ông đảm nhận các vai trò cấp cao, từ kiến trúc sư hệ thống, chuyên gia nghiên cứu cao cấp, đến giám đốc kỹ thuật... Mỗi vị trí đều mang lại cho ông những bài học quý giá, giúp ông tích lũy kiến thức lý thuyết, kinh nghiệm thực tiễn và quản lý kinh doanh.
Trong hơn 20 năm làm việc tại nước ngoài, các công ty mà ông Đạm từng gắn bó đều là những tập đoàn hàng đầu như: Miranda Technologies, Gennum, ATI Technologies, AMD, Broadcom, Marvell Technology.
Với những kinh nghiệm được tích lũy từ các vị trí trước đó, năm 2011, ông Lê Quang Đạm chính thức gia nhập Tập đoàn Marvell Technology, đảm nhiệm vai trò Giám đốc Kỹ thuật. Trong một cuộc họp, CEO Marvell đã từng đề cập đến ý tưởng mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Khi ấy, Marvell đã là tập đoàn đa quốc gia với sự xuất hiện trên 20 nước thế giới.
Đến mùa hè năm 2013, CEO Marvell lúc đó mới thực sự cân nhắc việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam, cùng với sự có mặt của những chi nhánh tại Singapore, Đài Loan, Nhật Bản. Ông Hồ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch của Marvell lúc bấy giờ, hỏi ông Đạm: “Phát triển một nhóm kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam, liệu có khả thi? Ai sẽ là người dẫn dắt?”.
“Khi đó tôi đã khẳng định rằng tôi tin chắc Việt Nam có đủ người tài để phát triển ngành bán dẫn và tôi tình nguyện dẫn dắt dự án”
“Quyết định của tôi đã khiến nhiều người bất ngờ và khó hiểu. Hơn 20 năm tại nước ngoài, tôi đương nhiên đã hòa nhập với cuộc sống bên đó, cùng với môi trường sống và nhiều cơ hội thăng tiến. Có thể với nhiều người, một cuộc sống ổn định như vậy thì khó có thể từ bỏ. Nhưng tôi thì khác. Trong suốt nhiều năm, tôi vẫn luôn mong muốn được quay về Việt Nam. Canada và Mỹ giống như một phần cuộc đời tôi, nhưng chỉ khi quay về Việt Nam tôi mới thấy mình được về nhà”, ông Đạm chia sẻ.
Qua nhiều cuộc thảo luận, CEO Tập đoàn Marvell Technology đồng ý cử ông trở về Việt Nam để thành lập Chi nhánh của Marvell. Cuối năm 2013, ông Đạm bỏ lại vị trí Giám đốc Kỹ thuật, một vị trí nhiều người mơ ước, để trở về Việt Nam, bắt đầu một hành trình mới không mấy dễ dàng.
“Những ngày đầu, tôi là người trực tiếp tuyển dụng những sinh viên và kỹ sư đầu tiên. Tôi vẫn nhớ sau khi Marvell Việt Nam chính thức có giấy phép đầu tư từ tháng 10/2013, chúng tôi lúc đó chỉ có 6 người, trong đó có 3 kỹ sư có kinh nghiệm, còn lại là 3 sinh viên mới ra trường.
Ban đầu, đội ngũ nhân lực còn ít, chúng tôi chỉ nhận những dự án vừa tầm. Dần dần, chúng tôi mang về những dự án khó hơn, khi năng lực bắt đầu được công nhận. Cùng với thời gian, tập đoàn mẹ bắt đầu chuyển giao rất nhiều những dự án quan trọng, những công nghệ tiên tiến nhất về Việt Nam”, ông Đạm cho hay.
Từ một nhóm kỹ sư chưa đến 10 người, quy mô Marvell Việt Nam từng bước tăng trưởng đều đặn qua mỗi năm, từ 30 người lên 60 người, rồi chạm mốc 470 kỹ sư như hiện nay, với các văn phòng hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong chiến lược phát triển dài hạn của Marvell Việt Nam, thành phố Hà Nội luôn được xem như một điểm đến tiềm năng để mở rộng văn phòng và thu hút nhân tài cho công ty.
Năm 2018 là một cột mốc đáng nhớ đối với sự phát triển của Marvell Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Tổng giám đốc Tập đoàn Marvell Technology thăm Chi nhánh Việt Nam. Nhìn vào tiềm năng phát triển của Marvell Việt Nam, từ năng lực của các kỹ sư đến tinh thần văn hóa doanh nghiệp, Marvell Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự tin tưởng và ủng hộ từ đội ngũ quản lý cấp cao của tập đoàn mẹ.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP ẢNH HƯỞNG LỚN ĐẾN VIỆT NAM
Mỗi năm, Marvell Việt Nam dự tính tăng trưởng 15-20% nhân lực và đưa những dự án quan trọng về Việt Nam để kỹ sư có nhiều cơ hội học hỏi, phát triển trình độ chuyên môn. Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải có đội ngũ nhân sự tài năng, giỏi về chuyên môn, khát khao cống hiến, đóng góp cho xã hội.
Theo ông Đạm, chiến lược phát triển Marvell Việt Nam dựa theo ba yếu tố chính.
Thứ nhất, luôn đảm bảo mức lương, thưởng xứng đáng, hợp lý để các kỹ sư an tâm về mặt tài chính. Khi đó họ mới toàn tâm, toàn ý, hoàn thành tốt nhất công việc.
Người đàn ông quê Huế 22 năm sống ở nước ngoài nhưng giọng vẫn “đặc sệt Huế” nói rằng một ngày nào đó, khi không còn đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc Marvell Technology Việt Nam nữa, ông sẽ trở về với giấc mơ dang dở của mình, đó là giảng dạy.
“Giảng dạy là ước mơ của tôi. Sau khi nghỉ hưu tôi sẽ trở về các trường đại học để giảng dạy. Tôi muốn được truyền lại những gì mình biết, những gì mình đã học hỏi được cho thế hệ trẻ sau này”, vị Tổng Giám đốc Marvell Technology Việt Nam bộc bạch.
Thứ hai, dựa trên sự tin tưởng từ các chi nhánh khác của Tập đoàn Marvell, tạo ra cơ hội tốt nhất để đưa những dự án quan trọng, cùng với những công nghệ mới nhất về Việt Nam, để đội ngũ kỹ sư Việt Nam có cơ hội làm việc và học hỏi.
Thứ ba, văn hóa của Marvell Việt Nam được xây dựng giống như một gia đình, mỗi kỹ sư làm việc tại Marvell sẽ cảm thấy giống như ngôi nhà và mình là một thành viên trong gia đình Marvell, muốn được cống hiến để nhìn thấy thành công của bản thân, của công ty.
Xác định 60-70% nguồn nhân lực mới sẽ là những sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường đại học, hiện nay Marvell Việt Nam đang tích cực hợp tác với các trường đại học, hỗ trợ các chương trình giảng dạy, tài trợ học bổng, tạo cơ hội thực tập cho sinh viên đưa các buổi hội thảo khoa học kỹ thuật để giúp sinh viên có định hướng tốt hơn về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn...
Trong năm 2025, Marvell Việt Nam cam kết sẽ đẩy mạnh ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu tại cả ba miền để góp phần thúc đẩy phát triển nhân lực bán dẫn cho Việt Nam.
“Mười năm trước, công nghiệp vi mạch bán dẫn còn là cụm từ chỉ được thiểu số biết đến, có khi nào ông nghĩ rằng ngành bán dẫn trong tương lai sẽ là cơ hội đối với Việt Nam?”...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 02-20245 phát hành ngày 13/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam