14:00 13/06/2022

Hành trình “hồi hương” nghìn tỷ của ông chủ Tập đoàn Sao Mai

Thiên Anh - Nguyễn Thuấn

Hơn 20 năm xây dựng Tập đoàn Sao Mai lớn mạnh với hàng loạt dự án lớn tại các tỉnh phía Nam, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai tiếp tục tạo dấu ấn với hành trình “Bắc tiến” cùng nhiều dự án nghìn tỷ...

Lễ khởi công dự án Sao Mai resort tại xã Thọ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa
Lễ khởi công dự án Sao Mai resort tại xã Thọ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa

Ông Lê Thanh Thuấn sinh ra trên mảnh đất Xuân Thịnh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp là kỹ sư xây dựng, từ năm 1977, ông Thuấn làm việc tại Sở xây dựng An Giang. Từ năm 1979, ông là cán bộ của Sở quản lý nhà đất An Giang.

Năm 1982, ông Thuấn được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước An Giang. Sau đó, ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Liên doanh Kiến trúc An Giang vào năm 1986. Từ năm 1992, ông Thuấn được cử làm Giám đốc xí nghiệp Xây dựng Tây Sông Hậu thuộc Công ty Xây dựng Miền Tây, Bộ Xây Dựng.

DOANH NHÂN XỨ THANH LẬP NGHIỆP Ở ĐẤT CHÍN RỒNG

Đến năm 1997, theo xu hướng mở cửa hội nhập của nền kinh tế lúc bấy giờ, các cán bộ chủ chốt đã tách ra thành lập công ty cổ phần Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang. Đây là doanh nghiệp ngoài quốc doanh có chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh An Giang. Ban đầu, nhân sự của Sao Mai dưới 50 người. Vốn điều lệ 905 triệu đồng sau đó tăng lên vài tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp công trình tại các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ rồi phát triển mở rộng lên Tây Nguyên.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang được thành lập ngày 05/02/1997. Đến ngày 18/01/2010, cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên sàn HOSE.

Chân dung doanh nhân Lê Thanh Thuấn
Chân dung doanh nhân Lê Thanh Thuấn

Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Sao Mai đang kinh doanh trên các lĩnh vực cốt lõi như: Bất động sản, thức ăn thủy sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, du lịch, điện mặt trời… 

Về lĩnh vực bất động sản, Sao Mai là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều năm qua Tập đoàn đã tập trung nguồn lực và âm thầm gây dựng quỹ đất có vị trí đắc địa thuộc các tỉnh thành như: Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, thành phố HCM, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tiền Giang, Bến Tre… Đến nay, quỹ đất đồ sộ này có thể đảm bảo cho Tập đoàn thực hiện các dự án bất động sản hàng chục năm nữa trong tương lai.

Về lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản, Tập đoàn đã nghiên cứu nhiều năm và quyết định đầu tư một nhà máy công suất 378.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng và hiện đang là nhà máy chế biến thức ăn thủy sản có công suất lớn nhất Việt Nam.

Vì vậy, dù mới vận hành một thời gian ngắn nhưng nhà máy đã hoạt động hết công suất, bổ sung hơn 4.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Sao Mai và khoản lợi nhuận tương ứng với tỉ suất xấp xỉ 10% của lĩnh vực chế biến thức ăn thủy sản. Nếu so với vốn điều lệ của doanh nghiệp này thì tính riêng mảng thức ăn thủy sản cũng đủ mang lại cho cổ đông mức cổ tức 15% mỗi năm.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm Tập đoàn Sao Mai.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm Tập đoàn Sao Mai.

Về lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, có thể nói Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa quốc gia (IDI) - thành viên của Tập đoàn Sao Mai là một doanh nghiệp "sinh sau đẻ muộn", có tuổi đời non trẻ so với những đơn vị cùng ngành đã hoạt động trước đó hàng chục năm.

Tháng 5/2008, IDI mới xuất được container hàng đầu tiên thì các công ty khác đã đạt doanh số hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên với việc đầu tư các nhà máy bài bản, hiện đại theo chiều sâu, cùng với sự quản trị chặt chẽ, thận trọng, chiến lược đúng đắn của Ban lãnh đạo đã sớm khẳng định vị thế của IDI trên thị trường quốc tế.

Hiện Công ty IDI đứng trong TOP 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhiều nhất Việt Nam và là một trong số rất ít các doanh nghiệp cá tra đã xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, hướng đến phát triển bền vững.

Tháng 07/2019 vừa qua, IDI đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến thủy sản số 03 với công suất 400 tấn nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.

Về lĩnh vực du lịch, Sao Mai đã mạnh dạn đầu tư và nhanh chóng trở thành công ty mẹ của Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp và Công ty cổ phần Du lịch An Giang, 02 doanh nghiệp Nhà nước với thương hiệu làm du lịch lâu đời, sở hữu nhiều tài sản có rất giá trị. 

Ngoài 2 Công ty du lịch này, Sao Mai đang sở hữu tổ hợp resort Vũng Tàu, đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào khai thác dự án Khu resort Vua Lê tại Thanh Hóa, Khách sạn 5 sao tại TP Cà Mau, Khách sạn Bông Hồng 5 sao tại Sa Đéc - Đồng Tháp. 

Về lĩnh vực điện mặt trời, Tập đoàn Sao Mai là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng năng lượng sạch góp phần bảo vệ môi trường.

Năm 2016 Sao Mai quyết định đầu tư nhà máy điện mặt trời 1,06 MWp đầu tiên và cũng là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Với số vốn bỏ ra gần 40 tỷ đồng, Sao Mai đã tiếp nhận được kho kiến thức thực tiễn trong lĩnh vực này. 

Giữa tháng 06/2021 cả 2 nhà máy điện mặt trời của Sao Mai với tổng công suất 154 MWp và tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng đã hòa vào lưới điện quốc gia và được EVN bao tiêu trong suốt 20 năm với mức giá 9,35 cent/kWh. 

HÀNH TRÌNH HỒI HƯƠNG NGHÌN TỶ

Sau những thành công gặt hái được khi đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại các tỉnh phía Nam, hơn 5 năm trở lại đây, Tập đoàn Sao Mai tiếp tục hành trình “Bắc tiến”. Thanh Hóa quê hương của ông Lê Thanh Thuấn được “chọn mặt, gửi vàng” khi vị doanh nhân này đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các siêu dự án. Cụ thể, như dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân. Dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa (tên gọi tắt khu du lịch sinh thái Vua Lê) được xây dựng trên diện tích khoảng 100ha, có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Lễ khởi công dự án Sao Mai resort tại xã Thọ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa
Lễ khởi công dự án Sao Mai resort tại xã Thọ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa

Tại Lễ khởi công dự án này vừa diễn ra ngày 10/6/2022, ông Lê Thanh Thuấn chia sẻ đây là dự án tâm huyết nhất của mình. 

Giai đoạn 1, Sao Mai sẽ quy hoạch 54ha để xây dựng các phân khu trung tâm điều hành, khu dịch vụ, trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn (5 sao, 280 phòng), nhà hàng nổi, khu làng Việt, khu biệt thự bốn mùa, khu Villa, khu tắm khoáng, khu Bungalow trên hồ, sân golf và công viên cây xanh…

Resort Sao Mai Thanh Hóa là dự án thứ 5 của Tập đoàn Sao Mai tại Thanh Hóa. Gần đây nhất, cuối tháng 3/2019, Tập đoàn Sao Mai và UBND huyện Triệu Sơn đã ký kết hợp đồng đầu tư Khu đô thị Minh Sơn – thị trấn Triệu Sơn có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 500 tỷ đồng trên diện tích 45ha. 

Bản đồ quy hoạch 1/500 dự án Sao Mai resort tại xã Thọ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa
Bản đồ quy hoạch 1/500 dự án Sao Mai resort tại xã Thọ Lâm, Thọ Xuân, Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, năm 2016, Tập đoàn Sao Mai cũng đã đầu tư Khu đô thị Sao Mai xã Xuân Thịnh & xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trị giá hơn 1.200 tỷ đồng, tổng diện tích 52 ha. Dự án nằm cách thành phố Thanh Hóa 30 km, cách sân bay Sao Vàng 7 km, có tuyến quốc lộ 47 chạy qua kết nối Thanh Hóa và sân bay. 

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa giao hơn 60 ha đất cho Tập đoàn Sao Mai để thực hiện dự án số 2 khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn – Sao Vàng tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân.

Theo chủ trương đầu tư, dự án được thực hiện tại xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân. Dự án được thực hiện trên quỹ đất 70,7ha với quy mô dân số khoảng 8.000 người. Tổng mức đầu tư khoảng 561 tỷ đồng.