Hạt dổi rừng: mỏ vàng của người Mường
Không giống như các loại gia vị khác, hạt dổi có một mùi thơm đặc trưng - ngai ngái, âm ấm, thơm lựng - mà không có một loại gia vị nào có được.
Xã Chí Đạo (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) hiện được coi là "thủ phủ" của cây dổi xứ Mường. Hiện toàn xã có khoảng trên dưới 2 vạn cây dổi lớn bé tập trung ở xóm Be Trên, Be Ngoài. Trong đó có gần 3.000 cây đang cho thu hoạch quả. Những năm gần đây, hạt dổi được xem như là thứ đặc sản, được bán với giá "đắt như vàng", mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều người dân nơi đây. Khắp bản trên, bản dưới tràn đầy hương dổi thơm lừng.Cây dổi trồng 7 năm mới bắt đầu cho thu hoạch quả. Dổi ra hoa vào mùa xuân và chín vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Quả dổi kết thành từng chùm. Trong mỗi chùm tách ra làm 3 - 4 quả, trong mỗi quả có 4 - 8 hạt. Khi chín hạt dổi có mầu đỏ ối. Bà con thu hoạch mang về đồ lên rồi phơi khô, hạt dổi chuyển sang mầu đen xỉn. Hạt dổi phơi khô để được 3 - 4 năm không hỏng.
Giá hạt dổi tươi hiện nay khoảng 650.000 – 750.000đ/kg, còn hạt khô thì phải 1,5 – 2 triệu đồng/kg. Dổi ra hoa 2 vụ 1 năm: Vụ chính từ tháng 2 – 3 và chín vào tháng 9 – 10. Vụ phụ từ tháng 7 – 8 và chín vào tháng 3 – 4. Người ta thu hoạch quả dổi bằng cách nhặt quả quanh gốc hoặc căng lưới rồi dùng sào chọc cho quả rụng xuống. Cây dổi nào được mùa, trị giá bằng cả cây vàng.Trước đây, người miền núi đi nhặt hạt dổi ở rừng mang về đựng vào ống nứa cất trên gác bếp. Mỗi khi dùng thì lấy ra vài hạt, nướng trên than củi đỏ rực. Hạt dổi nướng thơm lừng được giã kỹ cùng muối trắng khô, rồi đựng trong vỏ quả bầu già làm thành muối dổi. Muối dổi dùng để chấm thịt gà, thịt lợn và làm gia vị cho nhiều món ẩm thực độc đáo. Không những thế, hạt dổi còn được ngâm rượu dùng làm thuốc xoa bóp xương khớp rất tốt.
Cách ăn hạt dổi của người Mường cũng phản ánh rất rõ văn hóa và tập quán của họ. Trước tiên, lấy vài miếng than hoa đang đỏ lửa cùng với hạt dổi bỏ vào bát, dùng đũa đảo đều để lửa than nướng chín hạt dổi. Tới khi nào thấy dậy lên mùi thơm là được. Giã hạt dổi thành dạng bột rồi đem trộn với muối, cho vào nước mắm chấm, hay làm gia vị ướp cho các món tiết canh, thịt nướng, canh măng chua…
Nếu những ai đã từng đi du lịch lòng hồ sông Đà, hẳn sẽ không thể quên được món cá nướng hạt dổi. Từng con cá tươi bắt từ sông lên được chế biến sạch, ướp muối dổi rồi kẹp bằng những thanh tre già và tươi, nướng trên than hồng. Từng xiên cá nóng hổi được chấm với muối trắng trộn với hạt dổi, không gì thơm ngọt bằng.Thịt lợn ướp hạt dổi nướng bằng than củi cũng là một trong những món ăn hấp dẫn du khách. Thịt lợn ba chỉ được thái con chì ướp với hạt dổi, rồi đem nướng vàng trên những khúc than củi rừng rực, ăn lúc vừa chín tới cũng hấp dẫn vô cùng. Vị ngọt của thịt lợn quện với hương thơm của gia vị tạo nên một món ăn đặc biệt bất cứ ai cũng không thể từ chối.
Thời gian gần đây, thương lái vào tận bản tìm mua hạt dổi rất đông, thường bà con thu hoạch đến đâu bán đến đấy. Nghe nói, người ta còn xuất khẩu hạt dổi ra nước ngoài, vì có nhiều nền ẩm thực cũng ưa chuộng thứ gia vị của rừng này dùng cho các món nướng hay bỏ lò của họ. Thu nhập ổn định, bà con người Mường ở Chí Đạo còn sáng tạo ra cách mới đó là làm sẵn muối dổi để bán cho khách du lịch. Thứ gia vị thơm lừng như chắt chiu hương vị núi rừng này, hy vọng sẽ là món quà quý mỗi khi du khách ghé thăm đất Mường.