13:48 18/04/2007

Hạt gạo với WTO

Việt Nam còn có thể bảo hộ xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp trong nước tới năm 2011, tức còn bốn năm nữa

Tàu chở gạo xuất khẩu ở cảng Sài Gòn.
Tàu chở gạo xuất khẩu ở cảng Sài Gòn.
Một doanh nghiệp ở Kiên Giang ký hợp đồng xuất khẩu 20.000 tấn gạo nhưng không thể xuất được vì giá bán thấp hơn giá định hướng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bấu, Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Kiên Giang, phải “năn nỉ” Bộ Thương mại can thiệp giúp tại Hội nghị giao ban xuất khẩu quí 1 tổ chức mới đây tại Tp.HCM, để doanh nghiệp tránh bẽ mặt với khách hàng nước ngoài và bớt thiệt hại cho chính doanh nghiệp.

Những trường hợp như vậy liệu có thể tồn tại được một khi Việt Nam mở cửa thị trường gạo vào năm 2011 theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)?

Điều chỉnh

Xuất khẩu gạo trở thành đề tài nóng bỏng tại hội nghị khi mà báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy, trong quí 1 các doanh nghiệp chỉ xuất được 710.000 tấn gạo với kim ngạch 230 triệu đô la Mỹ, giảm tới 43% về khối lượng và 33% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Phó tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng xuất khẩu đạt thấp cả về lượng lẫn kim ngạch là do tồn kho lúa gạo năm trước chuyển sang quá ít, nên tốc độ xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2007 gần như chẳng được là bao, doanh nghiệp chủ yếu bắt đầu xuất khẩu vào tháng 3 trở đi khi nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa vụ đông xuân.

Theo ông Huệ, nông dân vựa lúa ĐBSCL đang thu hoạch 70-80% diện tích lúa đông xuân được xem là được mùa, năng suất hơn 6 tấn/héc ta so với 5,9 tấn/héc ta của vụ đông xuân trước, sản lượng tương đương hoặc hơn đông xuân năm ngoái là điều chắc chắn. Dự đoán sẽ có hơn 9 triệu tấn lúa, tương ứng với dư ra 2,5-2,6 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới đang tăng, đã đẩy giá xuất khẩu gạo hiện nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái rất nhiều. Một báo cáo của Bộ Thương mại cho biết, giá gạo loại 5% tấm của Thái Lan tăng hơn cùng kỳ năm trước 15 đô la Mỹ mỗi tấn, gạo 25% tấm tăng 18,5 đô la Mỹ và dự kiến giá gạo còn tiếp tục tăng cho tới hết quí 2 năm nay.

Xuất khẩu đạt thấp khi mà thị trường có nhu cầu cao, cùng với vụ lúa đông xuân tạm xem là được mùa đã buộc Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Thương mại phải điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo. Theo ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại, chỉ tiêu xuất khẩu gạo quí 2 của Việt Nam được tổ này dự kiến 1,4 triệu tấn nhưng phải điều chỉnh tăng lên 1,6 triệu tấn để không làm giảm giá lúa ĐBSCL đang được nông dân thu hoạch rộ.

Hội nhập ra sao?

Ông Huỳnh Văn Bấu, Phó giám đốc Sở Thương mại Kiên Giang, cho biết năm nay tỉnh này phải xuất khẩu ít nhất 600.000 tấn gạo thì may ra mới giữ vững giá lúa cho nông dân. Trong quí 1, một doanh nghiệp của tỉnh đã “lỡ” ký hợp đồng xuất khẩu gạo nhưng sau đó không thể đăng ký hợp đồng với VFA, nên bị gạt ra, không xuất được khiến doanh nghiệp mất uy tín với khách hàng, chịu chi phí lưu kho, lãi vay ngân hàng mua lúa, gạo.

Theo quy định hiện nay, sau khi ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài, trong vòng ba ngày, doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với VFA. Một trong những tiêu chí quan trọng để có thể xuất được gạo và làm thủ tục hải quan được hay không là phải có xác nhận của VFA. Nhưng muốn có xác nhận của VFA thì giá xuất khẩu phải “có hiệu quả và phù hợp với khung giá chỉ đạo của hiệp hội”.

Hay nói khác hơn, hiệp hội có một mức giá xuất khẩu gạo được xem là định hướng cho doanh nghiệp và giá định hướng này được hiệp hội lấy từ giá đấu thầu xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung, tức thị trường Philippines hay Indonesia mà VFA đại diện phía Việt Nam tham gia đấu thầu.

Trong phương hướng xuất khẩu gạo năm 2007, VFA nêu: “Giá giao dịch hợp đồng thương mại tối thiểu phải bằng giá của hợp đồng trúng thầu ở các thị trường tập trung”. Một quan chức của VFA lý giải giá định hướng là để tránh tình trạng doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bán kéo giá gạo xuống thấp, gây thiệt hại chung cho xuất khẩu gạo của Việt Nam và để bảo vệ giá lúa trong nước sao cho có lợi cho nông dân.

Ngoài ra, việc đăng ký và xác nhận hợp đồng với VFA là để VFA và Chính phủ, Bộ Thương mại nắm bắt thông tin sản lượng gạo xuất khẩu, kịp thời điều chỉnh để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Điển hình nhất là cuối năm ngoái, Chính phủ phải tạm dừng xuất khẩu gạo bởi dịch bệnh rầy nâu và vàng lùn xoắn lá tác động tới sản xuất lúa, làm giảm mạnh sản lượng lúa trong nước và từ thông tin sản lượng gạo xuất khẩu của VFA mà Chính phủ và Bộ Thương mại có quyết sách kịp thời.

VFA là một thành viên của Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo do Thứ trưởng Bộ Thương mại làm tổ trưởng, với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước.

Một nhà doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng việc xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay chưa bị tác động nhiều bởi các quy định của WTO mà Việt Nam đã cam kết. Việt Nam còn có thể bảo hộ xuất khẩu gạo tới năm 2011, tức còn bốn năm nữa, sau đó các doanh nghiệp nước ngoài có quyền kinh doanh xuất khẩu gạo trực tiếp như các doanh nghiệp trong nước.

Ông nói, lúc ấy mà bảo doanh nghiệp nước ngoài rằng “giá xuất của công ty ông thấp hơn giá định hướng của chúng tôi, nên không được xuất gạo” hay “phải đăng ký hợp đồng với VFA mới được làm thủ tục hải quan” là chuyện không tưởng, trừ phi họ tham gia VFA.

Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ bé trong lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, như năm ngoái, chỉ có 43.450 tấn gạo, chiếm chưa đầy 1% trong 4,6 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả nước. Nhưng chỉ còn có bốn năm nữa là hàng loạt văn phòng đại diện của các công ty nhập khẩu gạo thế giới tại Tp.HCM có quyền chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài mua và xuất khẩu gạo trực tiếp ra nước ngoài như các doanh nghiệp Việt Nam.

Cách nay vài năm, đã từng có sự kiện làm xôn xao giới xuất khẩu gạo trong nước. Một công ty nhập khẩu gạo có văn phòng tại Tp.HCM cũng tham gia đấu thầu xuất khẩu gạo cạnh tranh cùng các doanh nghiệp Việt Nam và họ đã trúng thầu với giá thấp hơn giá của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam thừa biết họ mua gạo của Việt Nam để cung cấp cho hợp đồng trúng thầu này, và kiên quyết không bán gạo cho nhà nhập khẩu nói trên.

Nhưng sau bốn năm nữa, câu chuyện đó sẽ khó lòng tái diễn.