14:23 28/11/2022

Hậu đại dịch, những khu phố mua sắm đắt đỏ nhất thế giới đã thay đổi

Tường Bách

Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành du lịch vào tình trạng bế tắc tạm thời, khiến người tiêu dùng “ở ẩn” tại nhà và khiến hàng triệu việc làm bị mất, hệ quả là các khu phố bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới đang mất dần khách thuê cửa hàng và giá thuê giảm mạnh…

Đại lộ số 5 (Fifth Avenue) tại New York. Ảnh: NBC News
Đại lộ số 5 (Fifth Avenue) tại New York. Ảnh: NBC News

Theo Bloomberg, đại lộ số 5 (Fifth Avenue) tại New York, Mỹ mới đây đã đánh bại Tsim Sha Tsui của Hong Kong để trở thành khu phố mua sắm xa xỉ, sầm uất nhất toàn cầu của năm 2022. Theo khảo sát của công ty bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield, khu vực mua sắm sầm uất bậc nhất xứ Cảng Thơm rớt xuống vị trí thứ hai, còn khu phố Via Montenapoleone ở Milan (Italy) vươn lên vị trí số ba.

Phố New Bond của London (Anh) trượt một bậc xuống vị trí thứ tư, với giá thuê trung bình giảm 11%, trong khi Đại lộ des Champs Elysees ở Paris (Pháp) đứng ở vị trí thứ 5 sau khi giá thuê trung bình giảm 18%, theo Cushman & Wakefield. Bốn khu mua sắm khác ở châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện trong top 10 của Cushman là Ginza ở Tokyo (Nhật Bản) xếp vị trí thứ 6, Pitt Street Mall ở Sydney (Australia) đứng thứ 8, Myeongdong ở Seoul (Hàn Quốc) đứng thứ 9 và đường Tây Nam Kinh ở Thượng Hải (Trung Quốc) xếp thứ 10.

Khu đại lộ số 5 New York với những tòa nhà cao ốc nổi tiếng là địa chỉ vàng để những thương hiệu hàng đầu thế giới như chuỗi cửa hàng Disney, Abercrombie & Fitch, H&M… tập trung về. Các tầng trên cao vẫn là những căn hộ cao cấp và văn phòng nhưng toàn bộ mặt tiền phía dưới dọc đại lộ số 5 đều là các cửa hàng thời trang, hàng hiệu với phần trang trí cửa kính cực kỳ lung linh và thời thượng, nhất là vào mùa Giáng sinh.

Khu đại lộ số 5 New York với những tòa nhà cao ốc nổi tiếng là địa chỉ vàng cho những thương hiệu hàng đầu.
Khu đại lộ số 5 New York với những tòa nhà cao ốc nổi tiếng là địa chỉ vàng cho những thương hiệu hàng đầu.

Tọa lạc ở phía nam bán đảo Cửu Long, Tsim Sha Tsui là một trong những khu vực thịnh vượng nhất của thành phố. Các cửa hàng thương hiệu, các quầy hàng và cửa hàng độc lập kéo dài bất tận khiến cho Tsim Sha Tsui trở thành thiên đường mua sắm. Chỉ đơn giản đi dạo dọc theo Đường Nathan, mà người dân địa phương gọi là “Dặm Vàng,” cũng là một trải nghiệm vì các thợ may, các chủ nhà hàng và các thợ trang sức cạnh tranh để thu hút sự chú ý về các hàng hóa cao cấp lấp lánh và đồ điện tử.

Trong khi đó, được mệnh danh là thiên đường thời trang, khu phố Via Montenapoleone của Ý tề tựu những phong cách sành điệu số một, luôn cập nhật các xu hướng thời trang của thế giới và thậm chí là đi tiên phong trong những mẫu thời thượng.

Theo khảo sát, giá thuê mặt bằng trung bình ở Đại lộ số 5 đã tăng 14% lên 2.000 USD/sqft (foot vuông) trong quý 3/2022 so với mức trước đại dịch. Trong khi giá thuê ở Tsim Sha Tsui giảm 41% xuống 1.436 USD/sqft trong cùng giai đoạn. Còn giá thuê ở Via Montenapoleone tăng 9% lên 1.380 USD/sqft.

Tsim Sha Tsui từng xếp vị trí đầu bảng kể từ khi Cushman & Wakefield thực hiện khảo sát vào năm 2019. Tuy nhiên Hong Kong đang phải vật lộn với suy thoái sau khi áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc đại lục đã làm giảm số lượng du khách. Thành phố này chỉ đón 250.000 lượt khách trong 9 tháng đầu năm nay, so với gần 56 triệu lượt vào năm 2019.

“Các cửa hàng bị bỏ trống chiếm phần lớn trong 2 khu buôn bán nổi tiếng ở Hong Kong vì lượng người Trung Quốc đến đây vẫn ở mức rất thấp. Nhìn chung, giá cả sẽ tiếp tục chịu áp lực mặc dù đã cố gắng điều chỉnh”, Kevin Lam, Giám đốc điều hành của Cushman và người đứng đầu bộ phận dịch vụ bán lẻ tại Hong Kong, cho biết.

Tsim Sha Tsui từng xếp vị trí đầu bảng kể từ khi Cushman & Wakefield thực hiện khảo sát vào năm 2019.
Tsim Sha Tsui từng xếp vị trí đầu bảng kể từ khi Cushman & Wakefield thực hiện khảo sát vào năm 2019.

Sau khi quy định cách ly tại khách sạn với người nhập cảnh Hong Kong được dỡ bỏ, các số liệu về chuyến bay quốc tế đến thành phố này vẫn rất mờ nhạt. Trước tín hiệu của ngành du lịch, các nhà bán lẻ Hong Kong không bị động chờ đợi những người mua sắm quốc tế quay trở lại và giúp họ phục hồi doanh thu. Họ có giải pháp riêng để kích thích tiêu dùng nội địa bằng cách tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật, mở rộng chương trình giảm giá.

Trung tâm mua sắm Harbour City của Tsim Sha Tsui đã mở hơn 70 cửa hàng trong 3 quý đầu năm 2022, bao gồm cả một thương hiệu hàng đầu của Dior và dự kiến có tổng cộng 100 quầy vào cuối năm nay. Thế nhưng, nếu muốn giành lại vị thế của mình như một điểm đến kinh doanh và du lịch hàng đầu, chính quyền đặc khu sẽ cần phải điều chỉnh các quy định hơn nữa, đặc biệt là khi những thành phố khác trong khu vực cũng làm như vậy.

Khu phố Via Montenapoleone ở Milan (Italy) năm nay đã vươn lên vị trí số ba.
Khu phố Via Montenapoleone ở Milan (Italy) năm nay đã vươn lên vị trí số ba.

Trong khi đó, khả năng phục hồi của khu vực Bắc Mỹ sau thời kỳ suy thoái do đại dịch, cùng với sức mạnh của đồng USD, và việc Mỹ được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa và dòng sức mua đổ vào một số thị trường nhất định như Houston và Austin, bang Texas, đã giúp đại lộ số 5 vươn lên dẫn đầu danh sách các khu mua sắm đắt nhất trên khắp thế giới. Trước dịch Covid-19, đại lộ số 5 xếp vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng.

Nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) phối hợp với Fondazione Altagamma (ủy ban tập hợp các thương hiệu cao cấp của Ý), cho biết Mỹ và châu Âu đã và đang thể hiện sức mạnh mua hàng xa xỉ. Từ đồng hồ Thuỵ Sỹ, máy móc công nghiệp của Đức cho đến các mặt hàng xa xỉ của Italy, tiền và hàng hoá đang luân phiên chảy qua hai bờ Đại Tây Dương. Sức mua của người Mỹ cũng đang giúp đỡ cho các nhà sản xuất châu Âu, trong lúc họ phải vật lộn với giá năng lượng phi mã, lãi suất tăng cao và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng đến gần.