Hé lộ những doanh nghiệp đầu tiên báo lỗ quý 2/2021
Thống kê sơ bộ cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng trong quý 2/2021, con số này sẽ không dừng lại do Covid-19 lần thứ tư siêu lây nhiễm, nguy hại cả nền kinh tế...
Theo thống kê, tính đến ngày 27/7, đã có hơn 430 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo kết quả kinh doanh riêng lẻ và hợp nhất quý 2/2021, trong đó có đến gần 200 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng quý 2/2021 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 40 doanh nghiệp lỗ, cá biệt có công ty lỗ chưa từng có trong lịch sử niêm yết.
Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn PAN - hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. Báo cáo tài chính riêng lẻ quý 2/2021 cho thấy, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận 28,5 tỷ đồng, giảm mạnh 47% với quý 2/2020, chi phí tài chính 42 tỷ đồng chủ yếu là chi phí lãi vay, dẫn đến lỗ sau thuế 19,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 2,1 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản PAN đến cuối tháng 6 là 5.954 tỷ đồng, Nợ phải trả tăng từ 1.964 tỷ đồng lên 3.023 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ ngắn hạn từ 810 tỷ đồng lên 1.865 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu 2.930 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số đầu năm.
Kết quả kinh doanh của Công ty CP Thuỷ sản Bạc Liêu (BLF) cũng đảo chiều giảm mạnh trong quý 2/2021 do tác động của Covid-19 nên công ty gặp nhiều khó khăn từ khâu nguyên liệu cho đến khâu sản xuất - xuất khẩu làm cho doanh thu giảm đáng kể. Doanh thu thuần 123 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 145 tỷ đồng của quý 2/2020, lỗ sau thuế 4,6 tỷ đồng, trong khi năm ngoái có lãi 2,4 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, BLF lỗ 10,2 tỷ đồng.
Một trong những doanh nghiệp cứ đến mùa là báo cáo thua lỗ phải kể đến Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS). Khó khăn với Vinasun kể từ khi phải cạnh tranh gay gắt với làn sóng xe công nghệ như Grab, Uber… Covid-19 từ năm 2020 như một cú bồi khiến Vinasun ngập chìm trong bóng tối. Quý 2/2021, doanh thu thuần VNS giảm nhẹ so với cùng kỳ, xuống còn 150 tỷ đồng và lỗ ròng gần 66 tỷ đồng. Mặc dù so với cùng kỳ lỗ 110 tỷ đồng, con số lỗ này đã giảm bớt nhưng đây vẫn là quý thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ kể từ quý 1/2020.
Năm 2021, VNS dự kiến doanh thu đạt 1,050 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 79 tỷ đồng. Với số lố hiện tại lên đến 66 tỷ đồng, kết thúc cả năm để VNS giữ được mức lỗ 79 tỷ đồng là một bài toán hóc búa khi mà hoạt động chính trong ngành vận tải, du lịch đang gặp khó do Covid-19.
Lỗ nặng nhất ở thời điểm hiện tại không thể không nhắc đến Điện lực Khánh Hoà (KHP). Doanh thu thuần bán hàng cung cấp dịch vụ quý 2/2021 của KHP đạt 1.245 tỷ đồng, giá vốn hàng bán 1.305 tỷ đồng, kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến KHP lỗ 59 tỷ đồng. Sau khi tính toán các khoản chi phí, KHP lỗ sau thuế 105 tỷ đồng, con số này cải thiện đáng kể so với lỗ 181 tỷ đồng của quý 2/2021. 6 tháng đầu năm 2021 công ty này lỗ 181,9 tỷ đồng, giảm so với số lỗ 230 tỷ đồng của năm 2020.
Lý giải điều này, ban lãnh đạo cho biết, do việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 số tiền giảm giá cho khách hàng 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn so với cùng kỳ 2020.
6 tháng đầu năm 2020 (đợt 1), tất cả các khách hàng thuộc đối tượng sinh hoạt, sản xuất, lưu trú du lịch, cách ly/điều trị Covid được giảm giá điện/giảm tiền điện. Đến 6 tháng đầu năm 2021 (đợt 3): Chỉ có khách hàng thuộc đối tượng lưu trú du lịch và điều trị/cách ly Covid mới được miễn giảm tiền điện. Vì vậy, lỗ quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm 2021 thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Du lịch - khách sạn là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất do tác động của Covid-19, hoạt động trong lĩnh vực này doanh nghiệp hoạt động chính lĩnh vực khách sạn như Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) không tránh khỏi thua lỗ.
Doanh thu thuần tăng 100% đạt 27,5 tỷ đồng nhưng giá vốn và chi phí vận hành tăng cao khiến chủ sở hữu khách sạn Royal Hạ Long phải ôm lỗ ròng quý 2/2021 hơn 18 tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, RIC lỗ 45 tỷ đồng. Kể từ quý 4/2019, RIC bắt đầu trượt dài trong thua lỗ. Sau 7 quý lỗ liên tục, mức lỗ lũy kế của RIC đã tăng lên gần 355 tỷ đồng.
Công ty Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) cũng báo lỗ gần 47 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua. FTM cho biết dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong kỳ khiến Công ty phải dừng sản xuất hoàn toàn nhà máy số 2, số 5 và các chi phí cố định không được bù đắp lớn.
Bên cạnh các doanh nghiệp nêu trên, nhiều công ty niêm yết đã có báo cáo tài chính quý 2 ở thời điểm hiện tại cũng thua lỗ nặng như Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (NRC), Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (NOS), BOT Cầu Thái Hà, Khoáng sản Bắc Cạn (BKC)…
Dự kiến, những doanh nghiệp báo lỗ nặng trong quý 2/2021 sẽ không dừng lại và tiếp tục tăng cao do làn sóng Covid-19 lần thứ 4 quay lại với tốc độ siêu lây nhiễm, "giáng đòn chí mạng" xuống nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp niêm yết nói riêng.