Hết "cơn sốt đầu tư AI", vốn ngoại sẽ dần trở lại?
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam các năm vừa qua tốt hơn nhiều nước nước khác, nhưng thị trường chứng khoán lại chưa thể tạo ra lợi nhuận vượt trội. Hệ quả này cũng đến từ sự không nhất quán giữa thị trường chứng khoán và phân bổ các ngành kinh tế...
Năm 2024, câu chuyện bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là chủ đề được các nhà đầu tư quan tâm. Mặc dù thị trường liên tục đón những thông tin tích cực như tăng trưởng GDP của Việt Nam đều ở mức cao, cũng như triển vọng nâng hạng trong năm 2025 của thị trường chứng khoán ngày càng hiện hữu, động thái rút vốn liên tục của khối ngoại cho thấy câu chuyện đầu tư đang hấp dẫn ở các thị trường khác.
Thống kê trên HoSE cho thấy, khối ngoại liên tiếp bán ròng tại thị trường Việt Nam với tổng giá trị lên đến 3,6 tỷ USD từ đầu năm đến nay.
CƠN SỐT ĐẦU TƯ AI TRÊN TOÀN CẦU
Có nhiều nguyên nhân khiến khối ngoại tiếp tục bán ròng, trong đó có yếu tố dù lãi suất của Mỹ đã giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, rủi ro tỷ giá lên cao khi VND mất giá so với USD hay dòng vốn toàn cầu săn đón làn sóng cổ phiếu AI...
Nhấn mạnh chi tiết về nguyên nhân "dòng vốn toàn cầu săn đón làn sóng cổ phiếu AI" tại talk show Phố Tài chính mới đây, bà Hồ Thúy Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng, cho rằng các nhà đầu tư luôn tìm kiếm lợi nhuận, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa mang lại lợi nhuận cao hơn các khoản đầu tư quốc tế trong vài năm qua.
Có sự ảnh hưởng của các yếu tố dài hạn và ngắn hạn. Kể từ cuối năm ngoái, mức tăng trên thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu liên quan đến AI, nhưng lợi nhuận của các cổ phiếu khác không tăng quá ấn tượng.
Tại Việt Nam, FPT là cổ phiếu duy nhất được nhìn nhận hưởng lợi trong cơn sóng AI. Ngày 23/4, FPT và Nvidia đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện nhằm thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI). Hai bên dự kiến xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trở thành đối tác phát triển dịch vụ trong mạng lưới đối tác của Nvidia.
Cổ phiếu FPT ngay sau đó bật tăng mạnh, tính từ đầu năm đến nay đã tăng giá 75% từ 83.000 đồng/cổ phiếu lên đến 145.000 đồng/cổ phiếu kết phiên giao dịch hôm nay 3/12. Mặc dù được nhà đầu tư cá nhân trong nước ưa chuộng mua ròng 9.300 tỷ đồng trong gần 1 năm qua thì khối ngoại vẫn "chê" bán ròng cổ phiếu này lên tới 5.632 tỷ đồng, theo thống kê của VnEconomy.
Trong khi đó, cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) đã thổi giá trị cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ và bán dẫn lớn trên toàn cầu lên một mặt bằng mới. Ví dụ nổi bật nhất phải kể đến Nvidia. Tính trong vòng 1 năm vừa qua, cổ phiếu của công ty bán dẫn này đã tăng giá gấp 2,8 lần. Các cổ phiếu của công ty công nghệ lớn khác đầu tư mạnh mẽ vào AI như Amazon cũng tăng 38%; Microsoft tăng 16,4%...
Trong giai đoạn này, các thị trường phát triển như Mỹ ghi nhận dòng vốn vào ròng mạnh. Tháng 10 vừa qua, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) bứt phá và vào ròng 59,8 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, dòng vốn giải ngân 361 tỷ USD vào quỹ thị trường phát triển, trong đó thị trường Mỹ tiếp tục thu hút dòng tiền +54,1 tỷ USD và 305 tỷ USD cho 10 tháng. Nhóm công nghệ quay trở lại thu hút dòng tiền khi nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh việc giải ngân.
Tuy nhiên, đang có những dự báo gần đây lo ngại sắp đến "ngày tàn" của cổ phiếu AI. Ngày 20/11 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo rằng bong bóng cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát nổ bất ngờ nếu kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư không được đáp ứng.
ECB lưu ý rằng thị trường chứng khoán, đặc biệt là ở Mỹ, đang ngày càng phụ thuộc vào một số ít công ty đang hưởng lợi từ xu hướng bùng nổ của AI. Sự tập trung vào một vài công ty lớn làm dấy lên lo ngại về khả năng hình thành bong bóng giá tài sản liên quan đến AI. Ngoài ra, theo ngân hàng này, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu hội nhập sâu rộng, sẽ xuất hiện nguy cơ lan tỏa tiêu cực trên toàn cầu nếu kỳ vọng lợi nhuận của các công ty này không đạt được.
"Khi nguồn vốn toàn cầu săn đón các cổ phiếu liên quan đến AI, thị trường chứng khoán Việt Nam tự nhiên tương đối trầm lắng vì các công ty niêm yết của Việt Nam không có các cổ phiếu hưởng lợi", bà Hồ Thúy Ái nhấn mạnh.
Cũng theo bà Ái, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam các năm vừa qua tốt hơn nhiều nước nước khác, nhưng thị trường chứng khoán lại chưa thể tạo ra lợi nhuận vượt trội. Hệ quả này cũng đến từ sự không nhất quán giữa thị trường chứng khoán và phân bổ các ngành kinh tế.
Các nhà đầu tư nước ngoài lạc quan rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng sản xuất, xuất khẩu mạnh và sức tiêu dùng. Tuy nhiên, ba ngành chính là tài chính, bất động sản và tiêu dùng chiếm 3/4 cổ phiếu của Việt Nam. Các cổ phiếu phần mềm chỉ chiếm chưa đến 4%...Chính vì vậy, thị trường thiếu đi các mục tiêu đầu tư có liên quan.
Tuy nhiên, bà Ái tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ngay cả khi không có vốn nước ngoài. Điều này được chứng minh bằng lợi nhuận tích cực trong 2 năm qua trong khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.
Một lợi thế của Việt Nam là thị trường không có hiện tượng bong bóng do AI gây ra như ở một số nước khác.
"Dự kiến sẽ có một cuộc siết chặt vốn toàn cầu khi bong bóng AI vỡ, khi đó Việt Nam với các ưu thế riêng sẽ vượt trội hơn các thị trường khác vào thời điểm đó", Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng nhấn mạnh.
VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ SAU KHI NÂNG HẠNG VỐN NGOẠI CHẢY VÀO?
Cũng theo Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng, thị trường trong năm 2024 đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan và phản ứng tích cực trong bối cảnh cánh cửa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025 ngày càng rộng mở. Nếu điều đó thật sự diễn ra, Việt Nam cần chú trọng đến các vấn đề sau để thúc đẩy nhanh và đón dòng vốn chảy vào.
Thứ nhất, chúng ta cần cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, các cơ quan và tổ chức kinh doanh chứng khoán, các công ty quản lý quỹ cần tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao sự minh bạch thông tin và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thông qua việc tuân thủ các quy định luật pháp.
Thứ hai là tăng cường phát triển hạ tầng thị trường chứng khoán, việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và các sàn giao dịch để tạo thuận lợi cho việc giao dịch và giám sát, điển hình như việc vận hành hệ thống KRX sắp tới đây cũng cần được thúc đẩy trở lại.
Thứ ba là cần giảm giới hạn và hạn chế đối với vốn nước ngoài và thực hiện nhiều đợt IPO hơn để tăng tính đa dạng của thị trường, sẽ giúp thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất, công nghệ niêm yết, từ đó gia tăng sự đa dạng và hấp dẫn đầu tư. Bên cạnh đó, cách doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện mô hình quản trị, nâng cao tính minh bạch, cần sớm đạt chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS, và công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, về lâu dài, quan trọng nhất vẫn là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam. Tất cả các yếu tố định lượng chúng ta đang làm cố gắng thoả mãn các tiêu chí của các tổ chức đặt ra để vào được vào được thị trường mới nổi của FTSE.