17:22 29/03/2023

Hết quý 1/2023, có 30 bộ và cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn đầu tư công

Ánh Tuyết

Tính đến hết quý 1, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 thấp hơn cùng kỳ khi mới đạt 9,69% kế hoạch và đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao, thậm chí trên 30%...

Tiền Giang đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Tiền Giang đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 2746/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 2 tháng, ước thực hiện 3 tháng kế hoạch năm 2023. 

BA MƯƠI BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG CHƯA GIẢI NGÂN

Theo đó, ước thanh toán kế hoạch vốn năm 2023 từ đầu năm đến ngày 31/3 là 73.192 tỷ đồng, đạt 9,69% kế hoạch và đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Nguồn: Bộ Tài chính.
Nguồn: Bộ Tài chính.

Trong đó, vốn trong nước giải ngân khoảng 72.231 tỷ đồng, đạt 9,93% kế hoạch và đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 2.052,168 tỷ đồng, đạt 8,47% kế hoạch; vốn nước ngoài giải ngân khoảng 960 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch.

Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ ước giải ngân 3 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 9,69% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 10,35%, vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%). Trong đó, vốn trong nước đạt 10,64%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 đạt 12,66%; còn vốn nước ngoài đạt 3,43%, cao hơn cùng kỳ năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn khoảng 0,99%.

Tuy nhiên, nếu so sánh về con số tuyệt đối, ước giải ngân trong quý 1 vẫn cao hơn cùng kỳ hơn 10.000 tỷ đồng.

 

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao có thể kể đến như: Tiền Giang (31,1%), Bến Tre (30,05%), Điện Biên (24,67%), Đồng Tháp (22,93%), Lâm Đồng (20,78%).

Năm 2023, tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.954 tỷ đồng vốn đầu tư công, địa phương giao thêm 360 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Tiền Giang phải thực hiện giải ngân trong năm 2023 là trên 5.314 tỷ đồng.

Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng 3, tỉnh Tiền Giang giải ngân được 1.653 tỷ đồng, đạt 31,1% tổng kế hoạch vốn được giao và đạt trên 33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Với tỷ này, hiện Tiền Giang đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao.

Có được kết quả này là do ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang đồng loạt triển khai nhiều công trình đầu tư trọng điểm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như kết nối vùng, liên vùng đồng bằng sông Cửu Long như: dự án cầu Vàm Giồng trên đường tỉnh 864 chạy dọc sông Tiền; dự án 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864; dự án đầu tư xây mới Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật (CDC) tinh Tiền Giang...

Ngoài ra, để giải ngân nhanh vốn đầu tư công năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng giao vốn sớm cho các chủ đầu tư ngay từ tháng 12/2022 và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện của các dự án, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Bến Tre cũng hiện đang đứng trong top đầu các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2023 cao nhất đến thời điểm này. Bến Tre đang tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư cho các dự án, công trình thanh toán nợ, công trình đang triển khai thi công có tiến độ tốt, các công trình quan trọng...

Bên cạnh đó, có 49/52 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%. Đáng quan ngại, dù gần hết quý 1 nhưng vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn gồm: Bộ Y tế, Bộ Ngoại Giao, Bộ Khoa học công nghệ...

ĐẨY NHANH THỦ TỤC ĐẦU TƯ, LỰA CHỌN NHÀ THẦU VÀ THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm chưa cao là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.

Cùng với đó, nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Riêng một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.

"Đối với vốn nước ngoài, dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân", Bộ Tài chính thông tin.

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính kiến nghị đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện ngay từ những tháng đầu năm.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.

Đồng thời, quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu, triển khai thực hiện các dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2023 và công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Đồng thời, các đơn vị cần có các giải pháp tháo gỡ đảm bảo đủ nguồn cung cấp vật liệu phục vụ cho các công trình dự án giao thông trọng điểm.

Trước đó, từ giữa tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Năm tổ công tác này do 3 Phó Thủ tướng cùng 2 bộ trưởng làm tổ trưởng đốc thúc tiến độ giải ngân. 

Quyết định nêu rõ thời gian kiểm tra, đôn đốc từ ngày 10 - 25 hàng tháng. Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cùng với đó, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công. Đồng thời, đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.