19:31 23/05/2022

Hình thành chuỗi liên kết thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt bền vững

Vũ Khuê

Hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, đã có chỗ đứng nhất định trong các hệ thống siêu thị, song theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cần có các giải pháp thúc đẩy kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối hơn nữa...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham quan các gian hàng Việt trưng bày tại Bờ Hồ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham quan các gian hàng Việt trưng bày tại Bờ Hồ.

Với gần 1.000 điểm bán ở 44/63 tỉnh thành trên cả nước, ông Trần Lâm Hồng - Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống Saigon Co.op là hàng Việt Nam.

SỰ NỖ LỰC CỦA HỆ THỐNG PHÂN PHỐI

Tại khu vực miền Bắc, hiện nay Saigon Co.op đang khai thác hàng của gần 100 nhà cung cấp với nhiều nhóm hàng rau, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, trứng,… Tổng lượng hàng cung ứng cho hệ thống của Saigon Co.op xấp xỉ 5.000 tấn/năm với doanh số trên 150 tỷ đồng.

Trong đó, các nhóm hàng chính là rau và trái cây như cam Hà giang, cam lòng vàng, cam Cao Phong, xoài Sơn La, vải thiều Bắc Giang, bưởi Phúc Trạch, cam Vinh, nhãn Sơn La, mận Hậu Sơn La, dứa Thạch Thành, các sản phẩm rau vụ Đông của các tỉnh đồng bằng Sông Hồng… chiếm gần 50% sản lượng tiêu thụ, cung cấp cho các điểm bán tại khu vực, đồng thời đối lưu cho các điểm bán tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Trong năm 2022, Saigon Co.op sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác các sản phẩm tại các tỉnh thành khu vực phía Bắc cũng như các khu vực khác trên cả nước, chú trọng khai thác thêm các sản phẩm OCOP, với mức tăng dự kiến khoảng 5-10% tùy nhóm hàng.

Tương tự, Central Retail tại Việt Nam có hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại trải dài khắp 40 tỉnh thành Việt Nam đã cùng các Bộ ban ngành và các địa phương thực hiện nhiều chương trình xúc tiến quảng bá cho hàng Việt.

Ông Chalermchai Pornsiripiyakool, Phó Chủ tịch đối ngoại quốc tế, Tập đoàn Central Retail cho biết nỗ lực đưa hàng Việt vào hệ thống, Central Retail đã đồng hành cùng Chương trình OCOP quốc gia – xúc tiến tiêu thụ thông qua việc hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ hiện đại nói chung và hệ thống siêu thị Big C/Go! nói riêng.

Đồng thời hỗ trợ cho phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình ở khắp các địa phương trên cả nước, trong chương trình “Sinh kế cộng đồng”.

Cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa các sản phẩm Việt đạt chất lượng vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại và quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp thông qua khu vực trưng bày “Sản phẩm đến từ nhà cung cấp địa phương” trên các siêu thị của Central Retail.

Central Retail cũng liên tục tổ chức các Tuần hàng Nông đặc sản Việt Nam nhằm xúc tiến tiêu thụ và quảng bá nâng cao giá trị các sản phẩm Việt tại các siêu thị GO!, Big C, Tops Market trên toàn quốc. Tới đây, Central Retail sẽ đẩy mạnh quảng bá trái vải thiều Bắc Giang, Hải Dương trên toàn bộ hệ thống bán lẻ.

CỬA RỘNG CHO SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP NỘI ĐỊA

Để đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá hàng Việt, đại diện Saigon Co.op, cho biết luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các sản phẩm nông sản có chất lượng được tham gia vào hệ thống siêu thị, cung ứng đa dạng sản phẩm nông nghiệp sạch và đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Với vị thế dẫn đầu của hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước và bề dày kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng nông sản, thủy hải sản trong nước…, ông Trần Lâm Hồng Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM cho hay, Saigon Co.op cam kết sẽ tiếp tục chủ động tham gia sâu vào quá trình thúc đẩy đổi mới, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho nông dân, qua đó nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm Việt bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực.

Cụ thể, theo ông Hồng, Saigon Co.op sẽ tăng cường, chủ động kết nối, tạo điều kiện tốt nhất để đưa các sản phẩm chất lượng, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương vào tiêu thụ tại hệ thống gần 1.000 điểm bán của Saigon Co.op.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển thêm nhiều mô hình bán lẻ hiện đại mới, đặc biệt là thương mại điện tử, Omni Channel… nhằm tăng tính kết nối trong tiêu thụ sản phẩm giữa người nông dân và khách hàng, đồng thời góp phần trong định hướng sản xuất và tiêu dùng theo xu hướng mới, hiện đại, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, Saigon Co.op đầu tư xây dựng trung tâm thu mua tại các vùng nguyên liệu ở nhiều khu vực trọng điểm (đối với khu vực miền Bắc là kho trung tâm tại Bắc Ninh), thúc đẩy phát triển nhanh các vùng đặc sản, vùng chuyên canh nông nghiệp, bao tiêu hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà sản xuất – nhà phân phối và người tiêu dùng.

Mặt khác, hợp tác với Liên minh hợp tác xã Việt Nam để xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ kết nối thông tin và tăng tiêu thụ nông sản, sản phẩm địa phương. Phối hợp với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh thành để hỗ trợ phân phối các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh…

“Với vai trò nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, Saigon Co.op mong muốn trở thành kênh kết nối sâu rộng giữa người tiêu dùng với ngành nông nghiệp nói chung và người nông dân nói riêng, thông qua các cơ chế, chính sách hợp tác, đồng hành, hỗ trợ đối với các sản phẩm nông nghiệp nội địa”, lãnh đạo Saigon Co.op nhấn mạnh.