16:03 23/04/2022

Đầu ra cho hàng Việt còn nhiều gian nan

Vũ Khuê

Khó khăn trong tìm đầu ra, sản phẩm chưa đáp ứng được các tiêu chí của nhà bán lẻ nên khó vào hệ thống phân phối, sức cạnh tranh kém… đang là bài toán cần lời giải của hàng Việt...

Hàng Việt trên kệ hệ thống phân phối.
Hàng Việt trên kệ hệ thống phân phối.

Báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị “Kết nối cung-cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy, sau 13 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả khả quan.

CUNG-CẦU CHƯA GẶP NHAU

Công tác kết nối cung cầu hàng hóa đã góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ tiêu thụ nông sản và hàng công nghiệp nông thôn, thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn phục vụ người dân và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển. Người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú. Các doanh nghiệp phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng miền…

Tuy vậy, theo bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, hoạt động kết nối cung cầu thời gian qua còn một số tồn tại do cung - cầu chưa gặp nhau.

Một số tổ chức, đơn vị sản xuất hàng hóa gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các hộ nông dân do chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Các doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng.

Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu hàng hóa, theo bà Nga, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Công Thương, bà Nga đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 107-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện Cuộc vận động; Chỉ thị 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Cuộc vận động trong tình hình mới, tích cực “mở rộng các kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm”.

Đặc biệt, các địa phương triển khai các giải pháp để đạt được mục tiêu “Đến năm 2025, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam” theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025.

Các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ… của địa phương cần đẩy mạnh vai trò kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tạo điều kiện cho hai bên có nhiều cơ hội hợp tác với nhau.

NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CỦA SẢN PHẨM

Đối với doanh nghiệp, theo bà Nga, cần chú trọng cập nhật thông tin đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp phân phối cần có các chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ nông dân,... trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn tại thị trường trong nước và quốc tế hướng tới người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu.

Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, dịch bệnh dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2022 và những năm tiếp theo nên sẽ tác động đến mọi mặt, đặc biệt là các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, những cam kết trong các hiệp định thương mại về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt đem đến xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt nền kinh tế Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt.

Nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn, trong khi đó quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao...

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.

Mặt khác, các cấp, các ngành phải vào cuộc tích cực nhằm triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi nền kinh tế được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch, tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bổ sung, bên cạnh việc hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp logictics… cần đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác, hoạch định cho phát triển vùng, để không bị mất cân đối, không bị dư cung và khó khăn trong tiêu thụ.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu, có cơ chế chính sách để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống phân phối phát triển rộng khắp, tập trung phát triển thương mại điện tử để kích thích nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ.

“Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, nắm chắc diễn biến thị trường trong nước và thế giới, đánh giá đúng phân khúc thị trường để tính toán sản xuất cho phù hợp, làm sao để không chỉ nhiều người sử dụng hàng Việt mà còn tự hào khi dùng hàng Việt”, bà Lan góp ý.