17:15 21/04/2021

Hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp để thúc đẩy kinh tế vùng trung du, miền núi

Song Hà

Những sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của địa phương rất cần cơ chế hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo

Diễn đàn: Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc
Diễn đàn: Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc

Tại diễn đàn "Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc", ngày 20/4, đại diện lãnh đạo Trung ương và địa phương đã chỉ ra những bất cập trong phát triển vùng hiện nay.

 395 NGƯỜI DÂN MỚI CÓ MỘT DOANH NGHIỆP

14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc chiếm gần 1/3 diện tích của cả nước. Trung bình cứ trong 100 người dân Việt Nam thì có tới 12 người đang sinh sống và làm việc ở vùng này. Cứ trong 4 đồng vốn đầu tư công của Nhà nước hàng năm thì có tới gần 1 đồng được đầu tư tại đây… Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới vùng là không nhỏ. Tuy nhiên, kinh tế vùng chưa phát triển. Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là một trong những địa bàn khó khăn nhất của cả nước.

Một trong những lý do lý giải tình trạng này là lực lượng doanh nghiệp trong vùng còn kém phát triển. Tính đến đầu năm 2020, cả khu vực mới chỉ có 31.812 doanh nghiệp đang hoạt động, có nghĩa là cứ 395 người dân mới có 1 doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (PCI) của các tỉnh trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc cho thấy một bức tranh không mấy lạc quan. Đa số các tỉnh được xếp hạng ở nhóm khá và trung bình, có tới 5 tỉnh trong khu vực đứng trong nhóm 10 địa phương có chỉ số PCI thấp nhất cả nước.

Trong khi đó bình quân cả nước cứ 127 người dân đã có 1 doanh nghiệp. Mật độ doanh nghiệp của vùng chưa bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Và có tới 8 tỉnh miền núi và trung du phía Bắc góp mặt trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp hoạt động thấp nhất trong cả nước.

Tình hình các hộ kinh doanh cũng tương tự. Lực lượng doanh nghiệp trong khu vực trung du miền núi phía Bắc xếp hạng 5/6, chỉ đứng trên khu vực Tây Nguyên.

Về quy mô và chất lượng, doanh nghiệp ở vùng trung du và miền núi phía Bắc đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động không cao.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế này liên quan đến nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng. Sự đầu tư và hỗ trợ của Trung ương đối với vùng còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số chính sách đặc thù cho vùng chưa được ban hành kịp thời, chưa mang tính đột phá, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.

Đặc biệt theo ông Sơn, sự thiếu cơ chế điều phối và kết nối sự phát triển trong toàn vùng, nhất là trong việc quản lý và xử lý những vấn đề mang tính vùng. Năng lực của bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương còn bất cập…

CHÌA KHÓA NÀO CHO PHÁT TRIỂN VÙNG?

Để đánh thức kinh tế vùng, đại diện các tỉnh cho rằng, cần lưu ý đến thế liên kết chuỗi trong cả vùng, trong việc hình thành các khu kinh tế và các dự án phát triển.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư tỉnh Yên Bái ví dụ, Yên Bái có thế mạnh về cây quế, sơn tra, măng Bát Độ, Lào Cai có thế mạnh về dược liệu, cây chè, Lạng Sơn thế mạnh về cây hồi… Rất cần cơ chế hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo giữa các tỉnh.

Đồng thời, chia sẻ hình thành vùng nguyên liệu chính ở mỗi địa phương. Liên kết, phối hợp thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp có thế mạnh. Và liên kết, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm là thế mạnh của mỗi địa phương.

Tạo đòn bẩy cho vùng trung du và miền núi phía Bắc phát triển, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ ông Hầu A Lềnh cho rằng, cần một "nhạc trưởng" chỉ đạo định hướng rõ ràng, có tính liên kết với nhau để sự tương đồng giữa tỉnh này với tỉnh kia được đồng bộ.

Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng làm bàn đạp cho kinh tế vùng. Ông Hầu A Lềnh đề nghị Ban kinh tế trung ương báo cáo Bộ chính trị, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là địa bàn khó khăn nhất của cả nước - Ảnh 1.

Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ

"Nếu vùng Tây Bắc không có giao thông sẽ không giải quyết được vấn việc kết nối giữa các tỉnh, giữa vùng kinh tế và cả liên kết nội vùng", ông Lềnh nhận định.

Dù vấn đề liên kết đã được nói từ rất lâu nhưng các tỉnh liên kết được với nhau vẫn còn khó khăn. Vấn đề này cũng cần người đứng đầu điều phối để thực hiện việc liên kết tốt hơn.

Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cũng hết sức quan trọng. Chủ trương chính sách tốt hay không, kế hoạch tốt hay không nhưng con thực hiện mới là quan trọng. "Có hạ tầng tốt, cơ chế chính sách tốt và con người tốt… mới là giải pháp để thu hút doanh nghiệp", ông Lềnh nói.

Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong vùng cũng quan trọng không kém. Theo ông Lềnh, 5 năm qua, Nhà nước đã có chương trình khoa học công nghệ nghiên cứu về phát triển bền vững vùng Tây Bắc đã kết thúc. Ông Lềnh đề nghị, tiếp tục triển triển khai nghiên cứu các giải pháp công nghệ để phát triển bền vững.

Khi có đủ những yếu tố này trong tay, ông Lềnh cho rằng, các địa phương sẽ có đủ cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của mình. Xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, tạo tiền đề cho các tập đoàn kinh tế lớn, kể cả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa trên địa bàn có cơ hội phát triển.

"Làm được những điều này sẽ là những trợ lực tích cực để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của khu vực một cách tối ưu", Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ nhấn mạnh.