21:08 30/09/2012

Hỗ trợ doanh nghiệp “chưa được như mong muốn”

Nguyễn Lê

Với 3/4 thời gian của năm đã đi qua, đánh giá về chính sách và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã có thêm cơ sở

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khái quát: nợ lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều là “tam giác quỷ” đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng cực kỳ khó khăn - Ảnh: Reuters.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khái quát: nợ lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều là “tam giác quỷ” đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng cực kỳ khó khăn - Ảnh: Reuters.
Doanh nghiệp đang đối mặt với “bẫy sụp đổ”, giá trị gói hỗ trợ là rất nhỏ so với mức độ khó khăn hiện nay nhưng lại chưa phát huy được tác dụng như mong muốn…

Nhận định, thảo luận, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thêm một lần nữa lại sôi nổi tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế tổ chức trong hai ngày cuối tuần vừa qua tại Vũng Tàu.

“Tam giác quỷ”

Chỉ “điểm lại những khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và thử thảo luận về kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, song bài viết của Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã có dung lượng 18 trang.

Tại đây, ông Cung cho biết, giảm cầu trong nước là khó khăn đầu tiên, phổ biến đối với phần đối với hơn 2/3 số doanh nghiệp; tiếp đến là 53,6% gặp khó khăn trong tiếp cận vốn; 49,2% gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào. Những bất ổn vĩ mô đã gây khó khăn cho 23,6%, nhu cầu thị trường nước ngoài suy giảm gây khó khăn cho 10% và khoảng 12% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khái quát: nợ lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều là “tam giác quỷ” đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Nó hình thành một cái “bẫy sụp đổ” mà nhiều doanh nghiệp không thể thoát ra, ông Thiên nhấn mạnh.

Con số được đưa ra minh chứng là nửa đầu năm 2012, tổng lợi nhuận của 15 doanh nghiệp xi măng chỉ đạt hơn 122 tỷ đồng, trong khi đó số lãi vay phải trả cho số nợ 25.500 tỷ đã lên tới 1.912,5 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần số lãi. Mà, đáng quan ngại đây lại là tình trạng chung của hầu hết tất cả các nhóm doanh nghiệp, theo nhìn nhận của Viện trưởng Thiên.

Từ đầu năm 2011 đến hết tháng 8/2012, số doanh nghiệp phá sản và đóng cửa đã chiếm đến hơn 40% tổng số doanh nghiệp “chết” từ khi đổi mới đến nay. Nhưng, con số này, theo ông Thiên thì vẫn chưa biểu thị hết mức độ khó khăn của các doanh nghiệp trong bức tranh kinh tế hiện nay.

Khi, từ quan sát thực tế, nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế đưa ra ước đoán (có phần lạc quan) là, số doanh nghiệp còn lại giảm khoảng 20 -30% công suất hoạt động. Như vậy, với tổng số doanh nghiệp con hoạt động khoảng 470.000, việc giảm 20 -30% công suất tương đương với việc đóng cửa hơn 90.000 – 150.000 doanh nghiệp.

Ngăn chặn "đóng cửa"

Với 3/4 thời gian của năm đã đi qua, đánh giá về chính sách và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã có thêm cơ sở.

Trao đổi với VnEconomy tại thời điểm giữa năm nay, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín đã nhận xét “gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng quá yếu ớt”.

Nay, thêm 4 tháng đã đi qua, TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét rằng, về quy mô, giá trị gói hỗ trợ là rất nhỏ so với mức độ khó khăn hiện nay của doanh nghiệp và người dân.

Cũng theo phân tích của vị Viện phó này thì các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung đều chỉ mới nhằm đến các nguyên nhân trực tiếp, mà về cơ bản là “ngược lại” đối với các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, quy mô và cường độ của các giải pháp này sẽ là hết sức hạn chế, không thể kích cầu để tăng lượng cầu lên mức như trước năm 2011, và rất ít hiệu lực trong việc giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay của doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu thực hiện “quá liều” và “lệch hướng”, thì nguy cơ lạm và bất ổn kinh tế vĩ mô quay trở lại là rất lớn.

Trọng tâm của các giải pháp cần tập trung vào thay đổi cơ bản các thể chế và loại bỏ dư dịa và cơ hội “chạy  theo và lợi dụng các mối quan hệ thân hữu, xin cho để trục lợi”, loại bỏ “ngăn cấm, hạn chế” tạo nên kém minh bạch và không minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh, ông Cung đề nghị.

Nhiều ý kiến chuyên gia quan tâm đến việc cần ngăn chặn tình trạng đóng cửa đối với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát huy mạnh mẽ chính sách hỗ trợ theo nghị quyết 13 của Chính phủ về giảm và giãn thuế, đáng mừng là đến nay đã có hơn 6000 doanh nghiệp trở lại sản xuất nhờ chính sách này.

Theo TS. Trần Du Lịch, nên tính toán lại việc phân bổ tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, mạnh dạn cấp vốn với doanh nghiệp đang làm ăn tốt, do khó khăn nhất thời, khiến họ có nợ xấu, nhưng họ có hướng phát triển, đặc biệt đối với doah nghiệp xuất khẩu, tạo điều kiện cho vay để họ tiếp tục làm ăn.

Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh giải pháp “cấp cứu” doanh nghiệp mà không làm “vỡ trận” cần giải quyết nhóm nợ đọng các công trình tại các địa phương lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Con số được nhóm này dẫn theo các báo cáo thẩm tra mới nhất của các Ủy ban của Quốc hội cho biết, năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành là 91.273 tỷ đồng của 47.209 dự án.

“Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp - thành quả quan trọng nhất, đồng thời là chủ lực phát triển của công cuộc đổi mới – đang vật lộn với khó khăn, không thể không đặt ra câu hỏi: bao nhiêu doanh nghiệp “chết” hoặc “chờ chết” vì không giải quyết được khoản nợ này, TS. Nguyễn Đình Thiên mang đến diễn đàn câu hỏi đầy lo lắng của nhóm nghiên cứu.

Một số ý kiến khác cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần cải thiện niềm tin của dân chúng và thị trường về một làn sóng cải cách mới qua việc triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại và đầu tư công theo đề án đã được phê duyệt với quy mô và cường độ lớn hơn để nhanh chóng mang lại một số kết quả nhất định.