Hỗ trợ kết nối sản phẩm, hàng hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lên chợ online
Để kinh doanh thành công trên sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần sản xuất theo quy chuẩn, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện lên sàn thương mại điện tử, hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…
Ngày 9/9, tại Cần Thơ, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị kết nối thương mại điện tử doanh nghiệp Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 2022.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho rằng trong làn sóng thứ 2 của thương mại điện tử, người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng.
Các thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nghiệp thương mại điện tử đã tích cực chuyển đổi số. Đã có 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng thị trường sẽ tốt hơn trong bối cảnh kinh tế mới. Do đó, giai đoạn này được xem là thời điểm để đa số doanh nghiệp tiếp cận và tiến hành chuyển đổi số, thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Từ năm 2019 đến 2021, tổng giá trị các sản phẩm bán ra của Shopee đã tăng gần 4 lần, từ 424.000 tỷ đồng lên đến 1.483.000 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng đơn hàng đặt trên Shopee đã tăng gấp 5 lần, đạt tổng 6 tỷ đơn trong năm 2021. Điều này nghĩa là cứ mỗi giây có hơn 250 đơn hàng được bán ra trên Shopee.
Ông Jason Bay, Giám đốc Văn phòng điều hành Tập đoàn Sea Group (Singapore) - Chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee nhận định, con số này cho thấy kinh doanh qua thương mại điện tử chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Ngoài sàn thương mại điện tử mà Shopee đang vận hành tại Việt Nam, hiện Shopee bắt đầu phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai Shopee International Platform - Chương trình Bán hàng toàn cầu. Chương trình này phù hợp với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang muốn bán hàng ra nước ngoài nhưng quy mô chưa đủ để tự vận hành.
Cần Thơ là thị trường trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và thương mại, thương mại điện tử trong liên kết vùng giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của địa phương.
Do đó, tại hội nghị, các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Shopee cam kết sẽ chú trọng phối hợp cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại Cần Thơ và các tỉnh thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tham gia giao dịch, xây dựng thói quen hoạt động trên sàn thương mại điện tử.
Đồng thời hỗ trợ quảng bá, truyền thông, tiếp cận đến người tiêu dùng cả nước; tổ chức đào tạo, tập huấn khoa học, công nghệ và kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh để đưa nông sản lên sàn được hiệu quả nhất.
Các đối tác về giải pháp số như Sapo, VPBank có những ưu đãi riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thuận lợi hơn trong vận hành quản lý, chủ động kiểm soát tài chính, đảm bảo giao dịch tài chính trực tuyến trong kinh doanh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cung cấp giải pháp vốn cho doanh nghiệp SME với đa dạng loại hình giúp doanh nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gia nhập thương mại điện tử nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Để tham gia tốt vào hoạt động kết nối kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, đại diện sàn thương mại điện tử Voso lưu ý, các doanh nghiệp (hợp tác xã, các cơ sở sản xuất) cần thực hiện sản xuất theo quy chuẩn (quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói…) đảm bảo sản phẩm nông nghiệp có đủ điều kiện để đưa lên sàn thương mại điện tử và lưu thông đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cùng chất lượng tốt nhất.
Đặc biệt ưu tiên những sản phẩm an toàn, chất lượng, có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP… Người nông dân cũng cần "viết" nên câu chuyện về giá trị cốt lõi của sản phẩm và đưa ra thị trường thông qua các kênh truyền thông để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của mình.