19:41 20/12/2021

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường khí

Song Hà

Hệ thống văn bản pháp lý về kinh doanh khí đã được xây dựng tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý Nhà nước nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, nhiều quy định cần được thay thế, điều chỉnh...

Vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh xảy ra làm rối loạn thị trường kinh doanh khí.
Vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh xảy ra làm rối loạn thị trường kinh doanh khí.

Nhiều ý kiến cho rằng hoàn thiện, khuôn khổ pháp lý toàn diện về kinh doanh khí là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

CÁC QUY ĐỊNH CÒN CHỒNG CHÉO, BẤT NHẤT

Nhận định về khuôn khổ pháp lý cho thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường kinh doanh khí, ông Trần Minh Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha, cho rằng ý thức tuân thủ pháp luật đối với hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng của một số doanh nghiệp còn kém. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn xảy ra làm rối loạn thị trường.

Nhiều doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân nên vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại về kinh tế, về tài sản, uy tín của doanh nghiệp khác.

Hơn nữa, tình trạng vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín trong san chiết LPG vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Thậm chí còn liên kết với nhau nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý, áp dụng chế tài xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas còn xung đột pháp luật, chồng chéo, dẫn tới không hiệu quả trong quản lý.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Công ty TNHH Totalgaz Việt Nam, cho rằng mỗi cơ quan quản lý tại các địa phương lại tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bên vi phạm căn cứ vào các quy định pháp luật khác nhau, dẫn đến hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả hoàn toàn khác nhau.

“Đã có địa phương áp dụng Nghị định 99/2013/NĐ-CP cho hành vi vi phạm của một tổ chức dán niêm màng co giả, tem giả của công ty chúng tôi và tịch thu tang vật vi phạm là chai LPG của công ty và xử lý theo quy định theo Nghị định 29/2018/NĐ-CP. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 44, 45 và 46 Nghị định 99/2020/NĐ-CP thì buộc trả lại chai LPG cho chủ sở hữu trong trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp chai LPG không có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Hơn nữa, việc chứng minh là chủ sở hữu hoặc được quyền sử dụng hợp pháp chai LPG để nhận lại thường rất phức tạp mà chưa có quy định cụ thể”, bà Hạnh phản ánh.

Bổ sung thêm, ông Trần Minh Loan cho biết: thực tế chứng minh rằng ít có mặt hàng nào mà công tác quản lý nhà nước có nhiều thay đổi trong thời gian ngắn như mặt hàng gas.

Đơn cử, sau gần 20 năm kinh doanh mặt hàng gas hình thành và phát triển tại Việt Nam, Chính phủ quản lý bằng việc ban hành Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, tiếp sau đó là Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí thay thế Nghị định 107/NĐ-CP, tiếp theo Nghị định số 77/2006/NĐ-CP trong đó sửa đổi bổ sung một số quy định của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP và hiện tại là Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP đang có hiệu lực thi hành.

“Điều đó chứng tỏ rằng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh gas có những khó khăn, phức tạp cần tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung để các quy định của pháp luật phù hợp nhất, ít vướng mắc nhất đối với thực tiễn sản xuất kinh doanh gas”, ông Loan nhìn nhận.

HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Khí dầu mỏ hóa lỏng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên những quy định của pháp luật về quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động của thương nhân, của thị trường sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thị trường phát triển lành mạnh ở hiện tại và tiềm năng trong tương lai.

Ngược lại nó sẽ là rào cản hoạt động sản xuất kinh doanh của thương nhân và sự phát triển của thị trường. Do đó, ông Loan đề nghị cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh LPG và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm.

Theo bà Hạnh, Nhà nước cần có hướng dẫn thống nhất áp dụng một nghị định để xử lý hành vi chiết nạp lậu, buôn bán hàng giả mạo nhãn thương hiệu... trong lĩnh vực kinh doanh khí.

Cụ thể, đề nghị tăng mức phạt, bổ sung điều phạt trạm chiết, xử lý nghiêm và đúng quy định pháp luật đối với hành vi chiết nạp lậu, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, niêm màng co, tem chống giả, bao bì hàng hóa.

Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì phải bị xử lý theo Điều 192 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chứ không phải là tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính và vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí hoạt động lén lún trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

Các cơ quan chức năng cần thống nhất xây dựng quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục trả lại chai LPG cho chủ sở hữu; hướng dẫn rõ loại hồ sơ nào doanh nghiệp cần cung cấp để chứng minh quyền sở hữu chai LPG một cách hợp lý; quy đinh rõ ràng về nghĩa vụ của cơ quan chức năng phải liên hệ với các chủ sở hữu chai LPG để họ tham gia quá trình kiểm tra thu giữ chai LPG tại các cơ sở của đối tượng kinh doanh trái phép.

Về hồ sơ chứng minh quyền sở hữu, Totalgaz Việt Nam đề xuất chỉ cần cung cấp giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu hợp pháp đối với thương hiệu (hợp đồng li xăng, giấy chứng nhận sở hữu nhãn hiệu), chai LPG có tên công ty, có thương hiệu rõ ràng và có dấu hiệu riêng để nhận biết (do công ty cung cấp) như thân bình có in logo, dập nổi logo, tay xách có khắc chữ tên công ty là đủ.

Trong trường hợp có nghi ngờ chai LPG bị cắt tay xách, mài vỏ qua các dấu hiệu như thân bình sơn logo khác với chữ nổi, hoặc thân bình có logo nhưng logo đó không phải công ty khắc trên tay xách đã đăng ký thì mới cần cung cấp hồ sơ kiểm định để làm rõ.

Ngoài ra, bà Hạnh cho rằng, pháp luật hiện hành cần quy định rõ mối quan hệ giữa chủ sở hữu chai LPG (đồng thời là doanh nghiệp cung cấp gas), thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ gas trong chuỗi cung ứng của mình về việc quản lý chai LPG.

Cụ thể, chủ sở hữu chai LPG không được mua, bán, vận chuyển, thu gom, trao đổi, lưu trữ chai LPG của thương hiệu khác nếu không có hợp đồng với chính chủ sở hữu chai LPG thương hiệu khác đó.

“Khi quy định rõ ràng và pháp luật được thực thi nghiêm minh sẽ hạn chế được việc thu gom chai LPG của các đối thủ cạnh tranh khác. Thương nhân phân phối cũng không được mua, bán, vận chuyển, thu gom, trao đổi, lưu trữ chai LPG của thương hiệu khác nếu không có hợp đồng”, bà Hạnh nêu rõ.

Những trường hợp cắt tai, mài vỏ, hoán cải chai LPG hoặc thương hiệu được khắc, in dập trên chai LPG thì cần khởi tố theo Điều 178 Bộ luật Hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và đền bù cho chủ sở hữu chai LPG. Nội dung này cần phải nêu rõ nhấn mạnh trong quy định quản lý kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng để tạo tiền đề cho việc thi hành một cách nghiêm minh