06:08 09/08/2011

Hoảng loạn, Phố Wall tuột dốc không phanh

Dương Lâm

Những mức giảm khủng khiếp từ 5% tới gần 7% đến trong phiên giao dịch hoảng loạn đầu tuần tại thị trường chứng khoán Mỹ

Matthew Peron, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán thuộc quỹ tín thác Northern ở Chicago cho biết, "chúng ta đang chứng kiến tình trạng bán tháo một cách hỗn loạn thực sự, vượt xa những gì chúng ta từng thấy" - Ảnh: Reuters.
Matthew Peron, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán thuộc quỹ tín thác Northern ở Chicago cho biết, "chúng ta đang chứng kiến tình trạng bán tháo một cách hỗn loạn thực sự, vượt xa những gì chúng ta từng thấy" - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần (8/8), chỉ số S&P 500 giảm hơn 6% do nhà đầu tư lo lắng về khả năng suy thoái của nền kinh tế đầu tàu sau khi đã bị tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's hạ bậc xếp hạng cao nhất hồi cuối tuần trước.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tuột thẳng 634,76 điểm, tương ứng 5,55%, xuống 10.809,85 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 79,92 điểm, tương ứng 6,66%, xuống còn 1.119,46 điểm. Chỉ số Nasdaq rơi tự do 174,72 điểm, tương ứng 6,90%, xuống 2.357,69 điểm.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay, chỉ số Dow Jones rớt xuống dưới ngưỡng kỹ thuật 11.000 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 đã giảm tới 17,9% kể từ phiên 29/4 tới nay.

Matthew Peron, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán thuộc quỹ tín thác Northern ở Chicago cho biết, "chúng ta đang chứng kiến tình trạng bán tháo một cách hỗn loạn thực sự, vượt xa những gì chúng ta từng thấy".

Những đồn đoán về việc Washington bất lực trong việc giải quyết vấn đề nợ nần đang tăng lên trong khi tăng trưởng chậm dần càng khiến đà bán tháo trên thị trường bị đẩy mạnh hơn, bất kể Tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố sẽ áp dụng một số biện pháp giải quyết các vấn đề tài chính và kinh tế.

Mối lo âu về kinh tế Mỹ lại càng được "châm ngòi" khi những quan ngại xung quanh vấn đề nợ nần ở châu Âu có dấu hiệu gia tăng, bất chấp việc châu Âu hôm 7/8 đã đưa ra sáng kiến mua trái phiếu Italy và Tây Ban Nha, đủ để giải quyết khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng Euro.

Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn Phố Wall nhảy vọt 50% lên 48 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm ngoái tới nay, chỉ số bất ổn thị trường này nhảy lên mốc 40 điểm. Theo Peron, chỉ số VIX phiên này cho thấy, "chúng ta đang bắt đầu rơi vào trạng thái hoảng loạn".

Khối lượng giao dịch bùng nổ, với 17,5 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, vượt xa mức trung bình hàng ngày 8,47 tỷ cổ phiếu trong năm 2010. Tỷ lệ cổ phiếu giảm/tăng ở sàn New York là 66/1, còn ở sàn Nasdaq là 22/1.

Toàn bộ 10 nhóm ngành thuộc S&P giảm hơn 3,5% khiến chỉ số này có phiên tệ nhất kể từ tháng 12/2008. Trong đó, những nhóm cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế, như ngân hàng và hàng hóa, bị tác động mạnh nhất. Chỉ số S&P tài chính mất 10%, chỉ số S&P năng lượng hạ 8,3%.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, tình trạng bán tháo hiện tại sẽ khiến một số cổ phiếu trở nên hấp dẫn nhờ mức giá thấp. Barclays Capital trong một thông báo gửi khách hàng, lưu ý rằng sự sụt giảm này sẽ tạo ra "thời cơ để mua vào".

Brad Sorensen, trưởng bộ phận thị trường của hãng Charles Schwab ở Denver cho biết, dựa vào những vụ bán tháo trong lịch sử, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu thấy sự hồi phục ở những khu vực cổ phiếu đã bị nhà đầu tư bán ra quá mức.

Tương tự như thị trường Mỹ, khu vực chứng khoán châu Âu lao dốc mạnh trong phiên 8/8. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,39% xuống 5.068,95 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 4,68% xuống còn 3.125,19 điểm. Chỉ số DAX của Đức chốt ở mức 5.923,27 điểm, giảm tới 5,02%.

Đóng cửa trước đó, hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng bị mất điểm trầm trọng. Tình trạng bán tháo lan rộng toàn thị trường. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 2,5% xuống 122,97 điểm, thấp nhất kể từ ngày 10/9/2010 tới nay.

Dẫn đầu khu vực về mức giảm điểm là chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc, với 3,82%. Trong phiên sáng, có lúc chỉ số này tụt tới 7,28%, khiến sàn chứng khoán xứ sở kim chi phải ngừng giao dịch 5 phút. Cũng giảm 3,82% là chỉ số Taiex của Đài Loan.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 3,79%. Chỉ số Straits Times của sàn Singapore hạ 3,7%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,18%, chốt ở 9.097,56 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 2,17% xuống 20.490,6 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2010.

Thị trườngChỉ sốPhiên trướcĐóng cửaTăng/giảm (điểm)Tăng/giảm (%)
MỹDow Jones11.444,6010.809,80Down634,76Down5,55
S&P 5001.199,381.119,46Down79,92Down6,66
Nasdaq2.532,412.357,69Down174,72Down6,90
AnhFTSE 1005.246,995.068,95Down178,04Down3,39
PhápCAC 403.278,563.125,19Down153,37Down4,68
ĐứcDAX6.236,165.923,27Down312,89Down5,02
Nhật BảnNikkei 2259.299,889.097,56Down202,32Down2,18
Hồng KôngHang Seng20,946,1020.490,60Down455,57Down2,17
Trung QuốcShanghai Composite2.626,422.526,82Down99,61Down3,79
Đài LoanTaiwan Weighted7.853,137.552,80Down300,33Down3,82
Hàn QuốcKOSPI Composite1.943,751.869,45Down74,30Down3,82
SingaporeStraits Times2.994,782.884,00Down110,78Down3,70
Nguồn: CNBC, Market Watch.