09:36 18/09/2014

Hội đồng Bảo an sắp thảo luận về vụ MH17 rơi ở Ukraine

Tâm Anh

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi kiềm chế các cáo buộc vô căn cứ trong vụ tai nạn máy bay MH17

Những mảnh vỡ còn lại của chiếc máy bay mang số hiệu MH17 - Ảnh: EPA.<br>
Những mảnh vỡ còn lại của chiếc máy bay mang số hiệu MH17 - Ảnh: EPA.<br>
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 19/9 sẽ thảo luận theo yêu cầu của Nga về tiến trình điều tra vụ chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia bị rơi ở khu vực miền đông Ukraine.

Theo hãng thông tấn Itar-Tass, thông tin trên được tiết lộ bởi thư ký báo chí của Phái đoàn thường trực Nga ở Liên hiệp quốc Alexei Zaitsev. "Hội nghị này sẽ được tiến hành vào ngày thứ 6 (19/9), vào khoảng 10 giờ sáng", ông này nói thêm.

Hôm 17/9, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng kêu gọi kiềm chế các cáo buộc vô căn cứ trong vụ máy bay MH17. Ông cho rằng, đó là sự can thiệp thô bạo vào cuộc điều tra. Đồng thời, ông cũng lấy làm tiếc về "sự dùng dằng rõ rệt của công tác điều tra".

Theo ông Lavrov, việc đảm bảo cuộc điều tra quốc tế công bằng và minh bạch là "rất quan trọng". Điều này không chỉ giúp xác minh nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn mà còn xác minh và đưa thủ phạm ra trước công lý.

Trước đó, ngày 17/7, một chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia) đã gặp nạn ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine, cách biên giới Nga khoảng 60 km. Toàn bộ 298 người trên máy bay đã bị thiệt mạng.

Ukraine và phương Tây cáo buộc quân ly khai ở miền đông bắn rơi chiếc máy bay bằng tên lửa đất đối không. Quân ly khai đã bác bỏ thông tin này. Nga cũng kịch liệt phủ nhận cáo buộc nước này cung cấp tên lửa hoặc vũ khí cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Hôm 9/9, Ủy ban An toàn Hà Lan đưa ra báo cáo sơ bộ khẳng định "máy bay bị nhiều vật thể có động năng cao xuyên thủng từ bên ngoài, làm mất đi sự bền vững cấu trúc nguyên thủy, khiến nó vỡ tan trên trời".

Điều này giải thích vì sao thiết bị ghi lại hành trình đột ngột ngừng hoạt động, máy bay cũng mất liên lạc ngay lập tức với trạm kiểm soát không lưu và biến mất khỏi màn hình radar. Ngoài ra, không hề có dấu hiệu nào cho thấy máy bay bị lỗi kỹ thuật hoặc sai sót của các phi công.

Các nhân viên điều tra Hà Lan dựa vào thông tin từ hộp đen máy bay, cơ quan kiểm soát không lưu, hình ảnh vệ tinh và ảnh từ hiện trường để đưa ra báo cáo sơ bộ về vụ việc. Tuy vậy, nguồn gốc của những "vật thể có động năng cao" theo như báo cáo vẫn chưa được xác định.

Ủy ban An toàn Hà Lan cho biết, báo cáo cuối cùng về vụ việc dự kiến được công bố trong một năm. Theo cơ quan này, báo cáo sơ bộ trên đã được chuyển tới các nước Malaysia, Ukraine, Nga, Anh, Mỹ, Australia và họ đã nhận được phản ứng của các nước này về báo cáo.

Cuộc điều tra của Ủy ban An toàn Hà Lan được thực hiện theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, một cơ quan đặc biệt thuộc Liên hiệp quốc. Báo cáo này nói rằng mục tiêu duy nhất của cuộc điều tra là ngăn chặn các vụ tai nạn và sự kiện tương tự diễn ra.