Hội Thẩm định giá đề xuất quy trình 6 bước thu thập và phân tích thông tin
Hội Thẩm định giá Việt Nam vừa góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá về thu thập và phân tích thông tin tài sản thẩm định giá do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Theo đó, Hội Thẩm định giá Việt Nam đề nghị bổ sung nhiều nội dung liên quan đến yêu cầu thu thập thông tin, quy trình thu thập thông tin, tính pháp lý của thông tin, các phương pháp phân tích thông tin, trách nhiệm của người thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.
Về yêu cầu thu thập thông tin, Hội Thẩm định giá Việt Nam đề xuất thêm một số nội dung: Thông tin thu thập phải phù hợp với yêu cầu thẩm định giá tài sản, có tính hợp pháp, có giá trị sử dụng; thông tin phải chính xác; thông tin phải khách quan, đúng thực tế; thông tin phải có tính hệ thống và tổng hợp; thông tin phải thống nhất, hài hòa, bổ sung cho nhau.
Hội này cũng đề nghị: bỏ cụm từ “đầy đủ” trong Dự thảo vì không có tiêu chí đầy đủ về thông tin để so sánh. Đồng thời, bổ sung thời điểm thu thập thông tin trong quá khứ không quá 2 năm tính đến thời điểm thẩm định giá…
Về quy trình chung của việc thu thập và phân tích thông tin, Hội Thẩm định giá Việt Nam đề xuất 6 bước.
Cụ thể: (1) Xác định mục tiêu thu thập, phân tích thông tin; (2) xây dựng phương pháp thu thập và phân tích thông tin phù hợp với mục tiêu thẩm định giá; (3) tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu; (4) kiểm tra chất lượng thông tin, dữ liệu; (5) xử lý, phân tích, làm sạch thông tin, dữ liệu; (6) tổng hợp, đánh giá, lựa chọn thông tin, dữ liệu đưa vào xác định giá trị tài sản.
Theo Hội Thẩm định giá, Dự thảo đã nêu được việc thu thập thông tin được tiến hành từ các thông tin thứ cấp và sơ cấp, nhưng việc sắp xếp còn chưa đúng trình tự của từng nguồn thông tin (kênh thông tin) và cũng còn thiếu một số nguồn cần được xem xét bổ sung.
Trên cơ sở đó, đề xuất sắp xếp như sau đối với thông tin thứ cấp: Là thông tin do khách hàng thẩm định giá cung cấp bằng văn bản; thông tin từ các hồ sơ, tài liệu, văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương; thông tin từ các cơ sở dữ liệu về thị trường giá cả của các tổ chức có chức năng thiết lập và trên các sàn giao dịch tài sản; thông tin từ sách, báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử và trên mạng Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Thông tin sơ cấp gồm: Thông tin từ kết quả điều tra, khảo sát thực tế hiện trạng tài sản và thị trường của tài sản; thông tin từ kết quả phỏng vấn trực tiếp chủ sở hữu (hoặc chủ sử dụng tài sản), các chủ thể tham gia thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá; người môi giới, cán bộ địa chính, phường, xã.
Hội Thẩm định giá Việt Nam đề xuất Dự thảo cần: Quy định và giải thích rõ về tính pháp lý của thông tin thu thập là thế nào, quy định trách nhiệm, quyền hạn của người thu thập thông tin đến đâu?
Đồng thời, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc về việc đòi hỏi có chữ ký của người cung cấp thông tin vì khó khả thi.
Các phương pháp xử lý thông tin được khuyến nghị áp dụng là định tính và định lượng.
Trong đó, phương pháp phân tích, xử lý thông tin định tính: “Là phương pháp tiếp cận tài sản và xác định giá trị tài sản bằng cách thức mô tả, diễn giải, phân tích, lập luận từ các dữ liệu thị trường đã thu thập được nhằm tìm ra được bản chất giá trị của tài sản cần xử lý”.
Phương pháp phân tích, xử lý thông tin định lượng: “Là phương pháp tiếp cận tài sản và xác định giá trị tài sản bằng các phương pháp thích hợp từ những số liệu đã thu thập được từ thị trường”. Cụ thể bao gồm: Phương pháp thống kê (thống kê mô tả, thống kê suy luận); phương pháp phân tích mối quan hệ hồi quy và tương quan; phương pháp phân tích sự khác biệt.