Hơn 17 tỷ đồng hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam
8 tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam sẽ được nhận hỗ trợ là: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh...
Ngày 15/3 tại Hà Nội, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ nâng cao năng lực của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam”. Dự án này được Bộ Quốc phòng - cơ quan chủ quản phê duyệt tháng 10/2021 và được triển khai trong 5 năm từ 2021-2026 với tổng mức kinh phí 750.000 USD (tương đương hơn 17 tỷ đồng) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Dự án hướng đến nâng cao chất lượng sống của nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật tại 8 tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là đơn vị đầu tư và chủ dự án cho biết 4 nội dung chính của dự án gồm:
Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật; mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của người khuyết tật; cải thiện chính sách, thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của người khuyết tật; tăng cường năng lực quản lý, thực hiện và hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp.
Sau khi dự án chính thức được phê duyệt, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ đã phối hợp với NACCET lựa chọn các nhà thầu quản lý dự án nhằm thực hiện các mục tiêu đã được xác định trên địa bàn 8 tỉnh.
Và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng đã được tin tưởng giao phụ trách 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai đồng thời cũng là đối tác chính quản lý, triển khai hỗ trợ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thực hiện mục tiêu thứ tư: tăng cường năng lực quản lý, thực hiện và hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp.
Thỏa thuận hợp tác giữa Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng bao gồm các nội dung: phát triển và nâng cao năng lực hệ thống Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; huy động và quản lý nguồn lực, tư vấn, tham mưu và vận động chính sách dành cho nạn nhân chất độc da cam; nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động, chương trình hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Trung ương Hội và 8 tỉnh hội trên địa bàn dự án.
Tại buổi lễ, Chủ tịch VAVA Nguyễn Văn Rinh chia sẻ hiện nay, số lượng nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam rất lớn. Chỉ tính riêng 8 tỉnh trong dự án đã có 66.438 nạn nhân, người khuyết tật có nhu cầu chăm sóc đặc biệt; 76.733 người có vấn đề rối nhiễu tâm trí; 59.759 người có nhu cầu tham gia các hoạt động kinh tế, đào tạo nghề, việc làm.
Cuộc chiến tranh hóa học đã để lại hậu quả hết sức nặng nề ở Việt Nam. Cuộc sống của những nạn nhân da cam và gia đình vô cùng khó khăn, thiếu thốn do mắc các bệnh nan y và bị nhiều dị tật, nhiều trường hợp mất ý thức, không có cơ hội làm việc.
Các nạn nhân chất độc da cam rất cần những hỗ trợ chăm sóc thường xuyên và các dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp để có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và hòa nhập xã hội.
Chủ tịch VAVA mong muốn Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ quan tâm hỗ trợ nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam nặng tại các trung tâm của các tổ chức hội (hiện có 26 trung tâm) và nạn nhân tại các gia đình; mở rộng Dự án "Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam" tại các tỉnh, thành phố có nhiều nạn nhân, kể cả các tỉnh phía Bắc; phối hợp triển khai thực hiện dự án với trách nhiệm, hiệu quả cao nhất góp phần giúp đỡ nạn nhân, gia đình cải thiện chất lượng sống và có cuộc sống ngày càng tốt hơn như mong muốn của Chính phủ Việt Nam - "không để ai ở lại phía sau".