11:24 06/07/2022

Hơn 45 triệu thuê bao di động chưa có nhu cầu dùng data

Thủy Diệu

Tính đến tháng 4/2022, số thuê bao di động đơn thuần chỉ sử dụng thoại/gọi và nhắn tin vẫn rất lớn, lên tới 45,2 triệu thuê bao, con số được xem kém vui cho mục tiêu xã hội số, công dân số tại Việt Nam…

Việt Nam vẫn còn hơn 45 triệu thuê bao chưa sử dụng dữ liệu (data) - Ảnh: Tinhte.vn.
Việt Nam vẫn còn hơn 45 triệu thuê bao chưa sử dụng dữ liệu (data) - Ảnh: Tinhte.vn.

Cụ thể, theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 4/2022, tổng số thuê bao điện thoại phát sinh lưu lượng là 123,87 triệu, trong đó tổng số thuê bao đang hoạt động có sử dụng dữ liệu (data) là 78,66 triệu (gồm 71,1 triệu thuê bao trả trước và 7,5 triệu thuê bao sử dụng dữ liệu trả sau), còn lại là thuê bao chỉ dùng thoại và tin nhắn (41,5 triệu trả trước và 3,6 triệu thuê bao trả sau).

Trong tổng số thuê bao chỉ phục vụ cho nhu cầu “a-lô” trên bao gồm cả thuê bao di động/máy điện thoại feature phone (điện thoại cơ bản chỉ để gọi/nghe và nhắn tin) và thuê bao điện thoại smartphone nhưng không dùng data.

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông trước đó cho biết tỷ lệ thuê bao sử dụng smartphone trên tổng thuê bao điện thoại di động đã liên tục tăng, từ 59,2% năm 2018 lên 65,09% năm 2019, đạt 69,55% vào năm 2020 và đến cuối năm 2021 tỷ lệ này là 75%. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu đến tháng 12/2022 chỉ còn 5% người dân dùng điện thoại 2G - feature phone, giảm 20% so với thời điểm năm 2021.

Với mục tiêu trên, dự kiến đến cuối năm nay, số người dùng điện thoại chỉ có chức năng gọi và nhắn tin tại Việt Nam sẽ còn khoảng 6 triệu (máy) trên tổng số thuê bao 123,8 triệu thuê bao hiện nay.

Trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối tháng 3/2022, trong đó có đặt ra mục tiêu về phát triển xã hội số - là xã hội tích hợp công nghệ số vào mọi mặt đời sống. Người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số; từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.

Mục tiêu xã hội số.
Mục tiêu xã hội số.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80%; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%...

Cùng những mục tiêu cụ thể trên, Việt Nam cũng đang phát triển mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh phát triển xã hội số, công dân số, bởi vậy, con số hơn 45 triệu thuê bao điện thoại vẫn chưa dùng dữ liệu (data) cho thấy còn nhiều việc phải làm cho hành trình trở thành xã hội số, công dân số, mặt khác đó cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dịch vụ số, tạo “thỏi nam châm” để đưa người dân trở thành công dân số.