07:00 23/05/2021

Hơn 69 triệu cử tri cả nước thực hiện quyền bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Tiến Dũng

Sáng ngày 23/5, người dân cả nước chính thức đi bầu cử, lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...

Ngày 23/5, toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 - Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 23/5, toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 - Ảnh: Quochoi.vn

Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là ngày hội toàn dân nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về đại biểu Quốc hội khóa 15, trong danh sách 866 ứng cử viên, sẽ có 500 người được chọn. Trong đó, Trung ương có 203 ứng viên, còn địa phương có 663 ứng viên. 

Về đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong danh sách 6.201 ứng cử viên, sẽ có 3.737 đại biểu được chọn. Ở cấp huyện, từ 37.463 ứng cử viên, cử tri sẽ bầu ra 22.953 đại biểu. Ở cấp xã, 246.510 người sẽ được bầu ra từ danh sách ứng viên gồm 405.110 người.

Theo ông Bùi Văn Cường,Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, thống kê trên toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu. Đến ngày 3/5, các Tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử theo đơn vị bầu cử và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, bảo đảm chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ theo luật định.

Trước đó, một số địa phương tại 15 tỉnh, thành phố có hoàn cảnh đặc thù đã tổ chức bỏ phiếu sớm để tạo điều kiện cho cử tri đi bầu cũng như công tác tổ chức được đảm bảo. Các tỉnh, thành phố này gồm Hải Phòng, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An và Bạc Liêu.

Tại Hà Nội, hơn 5 triệu cử tri thực hiện quyền bầu cử từ 7h00 sáng ngày 23/5. Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử để bầu 29 đại biểu Quốc hội, 30 đơn vị bầu cử để bầu 95 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; 269 đơn vị bầu cử để bầu 1.054 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 3.056 đơn vị bầu cử để bầu 10.807 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, thị trấn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Ảnh: VOV
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Ảnh: VOV

Trong khi đó, Tp.HCM có hơn 5,5 triệu cử tri. Thành phố có 10 đơn vị bầu cử để bầu 50 đại biểu Quốc hội, 32 đơn vị bầu cử để bầu 105 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay, thăm hỏi cử tri tại tổ bầu cử số 10 (khu phố 7, Thị trấn Củ Chi). Ảnh: VOV
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay, thăm hỏi cử tri tại tổ bầu cử số 10 (khu phố 7, Thị trấn Củ Chi). Ảnh: VOV

Cử tri thành phố Thủ Đức sẽ bầu ra 40 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức. Cử tri 5 huyện gồm: Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè sẽ bầu ra 170 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và cử tri tại các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố sẽ bầu ra 1.838 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu và cử tri thực hiện nghi thức chào cờ, khai mạc Ngày Bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 18, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu và cử tri thực hiện nghi thức chào cờ, khai mạc Ngày Bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 18, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, công tác chuẩn bị bầu cử đã được thực hiện kỹ càng với nhiều kịch bản khác nhau nhằm ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, gây rối, gây mất an ninh trật tự có thể xảy ra. 

Theo quy định, thời gian bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu tập trung là từ 7h tới 19h ngày 23/5. Cử tri đến bỏ phiếu phải xếp hàng, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách tối thiểu 2m.

Hòm phiếu tại một điểm bầu cử. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Hòm phiếu tại một điểm bầu cử. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: ở một số địa phương, tuỳ theo tình hình cụ thể, tổ bầu cử có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng và có thể kết thúc muộn hơn nhưng không được muộn hơn 9h tối. Đáng lưu ý, khi 100% cử tri trong danh sách khu vực bỏ phiếu đó đã đi bầu trước 7h tối, thì tổ bầu cử đó cũng không được tuyên bố kết thúc bầu cử và kiểm phiếu.

Giải thích về lý do, theo ông Tùng, nếu kiểm phiếu trước 7 giờ tối thì sẽ thực hiện trước các khu vực bầu cử khác trong cùng đơn vị bầu cử. Kết quả bầu cử của khu vực bỏ phiếu đã kết thúc sớm có thể bị lộ, lọt ra bên ngoài, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của các khu vực khác trong cùng đơn vị bầu cử. “Để bảo đảm tính khách quan, công bằng, bảo đảm quyền cử tri được lựa chọn người mình thấy xứng đáng để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, không bị tác động bởi những yếu tố khác thì việc kiểm phiếu phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định”, ông Tùng nhấn mạnh.