Hơn 98.000 lao động tại Bắc Giang đã đi làm trở lại
Toàn tỉnh Bắc Giang đến nay đã có 343 doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động trở lại, với số lao động đi làm lại là hơn 98.000 người…
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, tính đến hết ngày 17/7, toàn tỉnh đã có 343 doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động trở lại, cồng dồn đến nay có 98.033 lao động đã đi làm lại.
Ngoài ra, các địa phương của tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động ngoài tỉnh vào làm việc tại địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ 3 doanh nghiệp trong việc tuyển dụng mới lao động.
Hiện toàn bộ 30/30 cụm công nghiệp của tỉnh hoạt động trở lại với 189 doanh nghiệp, 43.888 lao động đi làm trở lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đã cơ bản hoạt động trở lại.
Bắc Giang cũng tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm Covid-19 và đón công nhân trở lại đi làm theo đúng quy trình sản xuất an toàn và phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến hết ngày 17/7, số người lao động đã được lấy mẫu xét nghiệm là 97.533 người.
Đến nay, đã có 327 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đăng ký và được cấp tài khoản trên phần mềm quản lý truy vết, trong đó có 306 doanh nghiệp đã cập nhật dữ liệu trên phần mềm, số lao động của doanh nghiệp đã cập nhật trên phần mềm đến nay là 90.818 người; tại các huyện, thành phố có 797 doanh nghiệp đã được cấp tài khoản phần mềm.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ lao động và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, đến nay tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Trong ngày 17/7, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thuộc các hộ gia đình phi nông nghiệp.
Điều kiện nhận hỗ trợ là mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, không có nguồn thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng với khu vực nông thôn, và 2 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài ra, người lao động thuộc diện hỗ trợ khi làm một trong những công việc sau: thu gom phế liệu, bốc vác (tại chợ, bến xe, bến cảng), vận chuyển hàng hóa (chuyển hàng 4 hoá bằng xe thô sơ, xe mô tô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ đầu mối, các ga đường sắt, cảng sông), lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm); bán lẻ xổ số lưu động; thợ xây, phụ hồ.
Người lao động tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống (nhà hàng, quán ăn; quán rượu, bia, quầy bar; quán cà phê, giải khát), cơ sở làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, sơn sửa móng tay).
Các nhóm đối tượng trên sẽ được hỗ trợ một lần với mức 1,5 triệu đồng/người.