14:46 20/07/2023

Họp HĐND TP.Đà Nẵng: Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế

Ngô Anh Văn

Tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày 17-19/7, các đại biểu HĐND thành phố đã thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội...

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu giải trình chất vấn tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, cho biết nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023, UBND thành phố tiếp tục nỗ lực triển khai chủ đề năm 2023 là “Năm khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” một cách hiệu quả, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công...

TẬP TRUNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN, KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt những nội dung đã cam kết và những lời hứa trước đây cũng như tại kỳ họp lần này; những nội dung chưa được trao đổi tại hội trường phải báo cáo đầy đủ, chính xác lộ trình cụ thể đối với HĐND thành phố.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Ngô Anh Văn
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Ngô Anh Văn

Ông Lê Trung Chinh cho biết những nội dung đại biểu HĐND thành phố quan tâm được UBND thành phố đã và đang chỉ đạo các sở, ngành thực hiện. Nhiều nội dung đã có kết quả, sản phẩm cụ thể; nhiều nội dung cần có thời gian, nguồn lực, cơ chế, chính sách; đặc biệt là rà soát lại tính pháp lý cũng như các yếu tố lịch sử; đánh giá thẩm quyền của các cấp hiệu quả, hài hòa.

Theo ông Lê Trung Chinh, ngay từ cuối năm 2022, UBND thành phố đã đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy chủ đề “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Từ đó, đề xuất các giải pháp, triển khai quyết liệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến nhiều mặt kinh tế- xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Thành phố đã tập trung chỉ đạo về tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, động lực; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, quan tâm đến công tác chuyển đổi số.

Công tác quy hoạch, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch thành phố được đẩy mạnh; phối hợp với các bộ, ngành để điều chỉnh một số chỉ tiêu trong quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; tiếp tục khớp nối hạ tầng kỹ thuật, đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng. Các đơn thư của công dân được thành phố tích cực xử lý, đẩy mạnh công tác thi hành án; tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội, thực hiện các chính sách nhân đạo cho người nghèo.

Đặc biệt, UBND thành phố đã chỉ đạo quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn…

Theo Chủ tịch UBND thành phố, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm còn khó khăn, thách thức, do đó UBND thành phố tiếp tục nỗ lực triển khai chủ đề năm 2023 một cách hiệu quả, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2024.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động kích cầu du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu và tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại các dự án bất động sản. Đồng thời, tập trung rà soát các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có mong muốn đầu tư vào thành phố.

Đặc biệt, lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư, có cam kết quan tâm, hỗ trợ các thủ tục để triển khai các dự án, nhất là đầu tư vào khu công nghệ cao, công viên phần mềm, cụm công nghiệp…

“Từ nay đến cuối năm 2023, thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các dự án trọng tâm, trọng điểm và phục vụ nhu cầu dân sinh; giữ vững và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GRDP và quy mô nền kinh tế. Đặc biệt đối với lĩnh vực Du lịch cần duy trì sự tăng trưởng phục hồi mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi, hu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của thành phố. Quyết tâm đến cuối năm nay giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%”, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

CHẤT VẤN VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ ĐỜI SỐNG DÂN SINH

Trong các phiên chất vấn tại Hội trường, có 22 đại biểu với 41 câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với lãnh đạo các sở ngành như: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Giao thông Vận tải… Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi về tiến độ thực hiện đề án trồng 1 triệu cây xanh đô thị; xử lý môi trường, nước thải, rác thải sinh hoạt; việc chậm trễ tiến độ các dự án trọng điểm như tuyến đường 601, đường vành đai phía Tây thành phố bị đội vốn lớn, gia hạn tiến độ nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành; vấn đề xây dựng bãi đậu-đỗ xe, ùn tắc giao thông ở một số tuyến đường vào giờ cao điểm; chậm tiến độ xây dựng các khu công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Cầm…

Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì tại Kỳ họp thứ 12, Khóa X. Ảnh: Ngô Anh Văn.
Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì tại Kỳ họp thứ 12, Khóa X. Ảnh: Ngô Anh Văn.

Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết bày tỏ lo ngại về tiến độ của dự án đường vành đai phía Tây 2, dù tăng 2.500 tỉ đồng vốn đầu tư nhưng chưa chắc sẽ hoàn thành nếu không đánh giá đầy đủ. Chủ tịch Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ việc cân đối vốn trung hạn cho dự án này và trả lời công khai để các đại biểu và người dân được biết.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng, cho biết dự án này được phê duyệt từ năm 2018, tổng vốn đầu tư 1.427 tỉ đồng từ vốn vay của Quỹ Phát triển quốc tế OPEC. Theo hiệp định vay, dự án kết thúc vào 31/12/2022 nên không thể triển khai kịp. Ngoài ra, quy hoạch trước đây của thành phố, dự án vướng quy hoạch ga đường sắt nên cần có quy hoạch điều chỉnh được duyệt và đồng bộ với các phân khu xung quanh.

Mặt khác, do kinh phí giải phóng mặt bằng tăng lên nhiều so với tổng mức đầu tư ban đầu, nên không đủ nguồn vốn đối ứng để thực hiện công tác đền bù, giải tỏa. Với các nguyên nhân này, dự án phải tạm dừng và chỉ thực hiện được 4 km từ điểm giao QL14B đến đường số 8 khu công nghiệp Hòa Khánh.

“Quan điểm của thành phố là sẽ phải tiếp tục đầu tư phần còn lại của dự án. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên tiến hành rà soát toàn bộ dự án, phân tích các yếu tố liên quan về xây dựng, đề xuất phương án xử lý phù hợp với thực tế, khái toán quy mô và tác động để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định”, bà Tâm thông tin thêm.

Đề cập đến việc các dự án đội vốn, chậm tiến độ, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, cho hay trong quá trình tư vấn, rà soát, các ngành chức năng phải kiểm đếm phục vụ giải tỏa, đền bù đầy đủ. Tránh trường hợp khi đề xuất thấy khả thi nhưng khi triển khai thực hiện thì phát sinh giải tỏa đền bù rất lớn, không điều chỉnh kịp như một số dự án được các đại biểu nêu.