Hàn Quốc tính lên kế hoạch khẩn cấp để người dân sinh đẻ nhiều hơn
Hàn Quốc cần có một “tư duy trường hợp khẩn cấp” để đảo ngược tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới - Tổng thống nước này Yoon Suk Yeol nói...
Hàn Quốc cần có một “tư duy trường hợp khẩn cấp” để đảo ngược tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới - Tổng thống nước này Yoon Suk Yeol nói, kêu gọi đưa ra những sáng kiến mới để khắc phục những chính sách trước đây mà ông cho là sai lầm.
“Tỷ lệ sinh thấp là một vấn đề quốc gia quan trọng”, hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà lãnh đạo ngày 28/3, tại cuộc họp đầu tiên của một nhóm công tác mới được lập ra để phát triển các chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Do tỷ lệ sinh thấp, dân số Hàn Quốc đang giảm, kéo theo sự suy giảm của lực lượng lao động và đặt ra những rủi ro kinh tế trong dài hạn.
Tại cuộc họp, ông Yoon cho biết ông đã có một số sáng kiến lớn bao gồm mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, cải thiện điều kiện làm việc cho các ông bố bà mẹ, tạo điều kiện về nhà ở giá rẻ và hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ, và giảm viện phí cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Trước đó, ông Yoon từng nói rằng Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua cho mục đích tăng dân số nhưng không đạt được kết quả đáng kể nào. Số con bình quân của mỗi phụ nữ ở Hàn Quốc trong năm 2022 đã giảm xuống 0,78 - theo số liệu thống kê chính thức. Với tỷ lệ sinh này, Hàn Quốc đối mặt khả năng dân số 51 triệu người hiện nay của nước này đến cuối thế kỷ sẽ giảm chỉ còn chưa đầy một nửa.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc trong năm 2021 là 0,81, đã là mức thấp nhất trong số 260 quốc gia và vùng lãnh thổ được Ngân hàng Thế giới (WB) theo dõi. Giới chuyên gia cho rằng Hàn Quốc phải mất vài thập kỷ để đạt được tỷ lệ sinh 2,1 con/1 phụ nữ - mức cần thiết để duy trì một dân số ổn định mà không cần đến người nhập cư.
“Dựa trên các bằng chứng khoa học, chúng ta cần đánh giá lại chính sách đối với tỷ lệ sinh thấp và chỉ rõ các lý do dẫn tới thất bại”, ông Yoon nói. “Tỷ lệ sinh thấp là vấn đề có liên quan đến nhiều yếu tố xã hội như phúc lợi, giáo dục, công ăn việc làm, nhà ở và thuế, và cả những yếu tố văn hoá như hoạt động kinh tế của nữ giới”.
Chính quyền Tổng thống Yoon dự kiến tăng trợ cấp hàng tháng cho các cặp vợ chồng có con nhỏ dưới 1 tuổi từ 300.000 Won (230 USD) lên 700.000 Won trong năm nay và 1 triệu Won vào năm 2024.
Một khó khăn đối với các cặp vợ chồng ở Hàn Quốc khi có con là chi phí cho giáo dục ở nước này thuộc hàng cao nhất trong số các nước phát triển. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng việc trợ cấp tiền cho các gia đình có con nhỏ sẽ là không đủ để giải quyết vấn đề. Thay vào đó, họ kêu gọi những thay đổi toàn diện hơn, như giảm gánh nặng đối với phụ nữ nuôi con nhỏ và tạo điều kiện cho phụ nữ đi làm sau khi sinh con.
Tỷ lệ sinh thấp, dân số lão hoá và suy giảm đang là vấn đề “đau đầu” của các nền kinh tế khu vực Đông Bắc Á. Không chỉ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang phải loay hoay xử lý thách thức này.
Trong một bài phát biểu gần đây trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã dùng những ngôn từ mang tính cảnh báo gay gắt hiếm gặp về vấn đề dân số: “Nhật Bản đang bên bờ vực của tình trạng mà chúng ta chưa chắc có thể tiếp tục vận hành như một xã hội bình thường”.
Tỷ lệ sinh của Nhật Bản là 1,34 trẻ tính trên mỗi phụ nữ, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định nếu không có người nhập cư. Điều này đồng nghĩa với việc đến năm 2065, dân số Nhật Bản có thể chỉ còn 88 triệu người từ mức 125,5 triệu người hiện nay.
Đối với Trung Quốc, tháng 1 năm nay, Tổng cục Thống kê Quốc gia nước này đã xác nhận dự báo của giới chuyên môn trước đó cho rằng dân số Trung Quốc giảm trong năm 2022. Cụ thể, dân số nước này giảm 850.000 người xuống còn 1,412 tỷ người. Sự suy giảm dân số xảy ra trong lúc Trung Quốc chưa phải là một quốc gia thu nhập cao, đặt ra nguy cơ lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc vì khi một số dân khổng lồ về hưu, nguồn lực đòi hỏi sẽ rất lớn trong khi lực lượng lao động tạo ra của cải ngày càng ít đi.