14:33 18/11/2008

Hợp tác khai thác gạo láng giềng Campuchia

Gần đây, nhiều thông tin đánh động chuyện gạo từ láng giềng Campuchia tràn về Việt Nam

Chuyên gia kỹ thuật Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang tập huấn kỹ thuật cho nông dân Candal - Ảnh: Thành Phúc
Chuyên gia kỹ thuật Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang tập huấn kỹ thuật cho nông dân Candal - Ảnh: Thành Phúc
Gần đây, nhiều thông tin đánh động chuyện gạo từ láng giềng Campuchia tràn về Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyện nguồn lúa gạo từ Campuchia đổ về vùng biên giới với Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm - một dòng chảy thị trường có lợi cho cả hai nước

Nhiều thương lái cho biết: “Hồi cuối tháng tư, Việt Nam dừng xuất khẩu gạo, dòng chảy lúa gạo đã chạy qua biên giới Thái Lan”...

Ông Bùi Phong Lưu, giám đốc công ty Bùi Văn Ngọ nhận xét: "Gạo Campuchia qua Việt Nam không phải là “vấn đề” mà là dòng chuyển động tự nhiên của thị trường. Nên nhìn theo cách này khi chúng ta sắp mở cửa thị trường bán lẻ".

Khai thác nguồn lúa Campuchia

Nguồn thạo tin cho biết ngày 21/10, Chính phủ Campuchia đã cho phép Hội các nhà xay xát gạo của nước này bán số gạo lưu kho để ổn định giá lương thực và huy động vốn mua tích trữ thóc của nông dân trong mùa vụ thu hoạch tới.

Ông Phuo Puy, Chủ tịch Hội Các nhà xay xát gạo Campuchia nói 50.000 tấn gạo tồn kho sẽ được tung ra thị trường trong nước trong tháng 11. “Lúc đó nguồn lúa ngon sẽ không tràn về Việt Nam” - một thương lái tiếc rẻ nói.

Cũng theo người lái lúa này, mỗi năm gạo từ Campuchia tham gia thị trường Việt Nam không dưới 500 - 700 ngàn tấn. Tất cả đều là gạo ngon. Các doanh nghiệp mua gạo phối trộn bán nội địa hoặc tăng lượng gạo thơm xuất khẩu. Bên Campuchia không “nóng ruột” khi nông dân bán sang Việt Nam, vậy mà Việt Nam lại dị ứng vì sợ gạo nội địa mất giá (?).

Hiện nay, phía Campuchia bắt đầu nói về nhu cầu tích trữ để duy trì an ninh lương thực trong nước, tránh tình trạng nông dân bán lúa với giá thấp theo đường tiểu ngạch sang các nước láng giềng.

Họ bắt đầu nhận ra khiếm khuyết trong việc đầu tư cho khâu tồn trữ khi nhìn lại niên vụ 2007- 2008, hội Các nhà xay xát lúa gạo Campuchia chỉ trữ được gần 400.000 tấn lúa của nông dân, do Chính phủ chỉ cung cấp tín dụng 14 triệu USD. Niên vụ 2008 - 2009, theo Bộ trưởng Nông - Lâm và Ngư nghiệp Campuchia Chan Sarun, sản lượng lúa của nước này ước đạt 7 triệu tấn, tăng hơn 9% so với niên vụ trước.

Ông Phuo Puy cho biết, hội sẽ vay khoảng 70 triệu USD của Chính phủ để có đủ 100 triệu USD mua 800.000 tấn lúa, tăng gấp đôi so với mức dự trữ trong niên vụ 2007-2008.

Đôi bên cùng có lợi

Anh Trần Thanh Phúc, từng sinh sống ở Phnom Penh từ nhỏ đến năm 1970 thì tham gia lực lượng kháng chiến, nay là chuyên gia thực hiện chương trình hợp tác giữa An Giang và Takeo, Candal; nói rằng từ lâu lúa gạo từ Campuchia vẫn chảy qua Việt Nam.

Năm nay, gạo chảy qua nhiều vì sản lượng lúa của Campuchia năm 2008 thừa khoảng 1 triệu tấn (niên vụ 2005 - 2006 tăng khoảng 2 triệu tấn).

Hơn nữa, do từ năm 2000, chính quyền tỉnh An Giang và Candal, Takeo thỏa thuận hợp tác. Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang nhận nhiệm vụ tổ chức các chương trình huấn luyện cho cán bộ nông nghiệp thuộc sở, phòng nông nghiệp và cán bộ kỹ thuật cơ sở về quy trình canh tác, tư vấn mô hình đa canh, hỗ trợ nông dược và tổ chức nhiều sinh hoạt cộng đồng, khám trị bệnh miễn phí… nên hai bên rất gắn bó với nhau. Mỗi năm, các lớp tập huấn, tham quan được thực hiện suốt bốn tháng liền.

Tới nay, phía Takeo, Candal đã làm lúa hai vụ. Mỗi nông hộ bên đó canh tác ít nhất là 3 ha, trung bình 6 - 7 ha. Trước đây năng suất chừng 2 - 3 tấn/ha, nay bình quân 5 - 6 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt năng suất 7- 8 tấn/ha. Đợt sâu rầy phá hại, công ty đưa người từ Việt Nam qua giúp nông dân Campuchia dập tắt rầy. Giữ được lúa tốt, nghĩ tới nhau nên họ đưa gạo qua xứ mình.

“Campuchia có khả năng trở thành nước xuất khẩu gạo”, ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Công ty Bùi Văn Ngọ nhận định. Ông Lưu cho biết từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp thuộc Hội Xay xát lúa gạo ở Campuchia vẫn nhập nhiều thiết bị xay xát lớn nhỏ từ Công ty Bùi Văn Ngọ.

Ông Nguyễn Thể Hà, chuyên viên kỹ thuật của công ty này nói: ”Chúng tôi nhắm tới thị trường này từ lâu. Giữa hai bên có những đặc điểm thị trường hòa hợp, có thể bổ sung cho nhau. Chúng tôi không chỉ xuất thiết bị sang Campuchia mà sẵn sàng tư vấn để bạn xây dựng cụm xay xát hiệu quả".

Ông Lưu cảnh báo: "Campuchia không đủ điện nên việc xay xát có giới hạn... Và do mối quan hệ tốt nên có dòng chảy lúa về biên giới tây nam của Việt Nam. Tuy nhiên, bạn có lợi điểm hơn ta do dân thưa, đất nhiều có thể canh tác với tích điền quy mô lớn. Nếu có đủ điện và các thiết bị, máy móc tốt hơn, cao hơn thì Campuchia sẽ sớm trở thành nước xuất khẩu gạo".

Campuchia là thành viên WTO, gạo là một trong bốn mươi mặt hàng nông sản mua bán miễn thuế qua biên giới Việt Nam - Campuchia.

Hoàng Lan (SGTT)