08:00 09/07/2024

Hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Chu Khôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tổ chức quốc tế như UNDP, FAO, IRRI… đã nhất trí, cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về nông nghiệp tuần hoàn, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và mục tiêu Net- Zero của quốc gia…

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững.

Đối thoại chính sách: “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” đã nhận được sự quan tâm tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ 70 cơ quan trong nước và quốc tế, hơn 20 tỉnh thành trong cả nước và người hàng trăm đầu cầu trực tuyến. Sự kiện diễn ra vào chiều 8/7/2024, tại Hà Nội, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức.

MỌI THỨ ĐỀU LÀ ĐẦU VÀO CỦA SẢN XUẤT

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vừa là yêu cầu, xu hướng tất yếu, đồng thời là một giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả nhằm triển khai các cam kết quốc tế, nhiệm vụ quốc gia và ngành về phát triển xanh và bền vững”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Trưởng đại diện UNDP Ramla Khalidi đồng chủ trì Đối thoại.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Trưởng đại diện UNDP Ramla Khalidi đồng chủ trì Đối thoại.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng thiết thực của nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường khi áp dụng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản: Mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Trên nguyên tắc tăng cường hợp tác quốc tế đa phương, phối hợp đa ngành, Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng quốc tế, các Bộ ban ngành từ Trung ương tới địa phương, khối tư nhân cùng chung tay hỗ trợ, thúc đẩy ngành nông nghiệp triển khai 10 mục tiêu, 6 nhiệm vụ về nông nghiệp tuần hoàn tại Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường, cơ chế chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và truyền thông về nông nghiệp tuần hoàn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là yêu cầu, xu hướng tất yếu".
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là yêu cầu, xu hướng tất yếu".

Đồng chủ trì Đối thoại, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng thúc đẩy thu hồi tài nguyên từ chất thải nông nghiệp sẽ góp phần tái sử dụng, sản xuất nguyên liệu, protein, năng lượng và chất dinh dưỡng. Đồng thời tăng cường chất lượng thực phẩm và khả năng chống chịu của các hộ sản xuất nhỏ trước những tác động ngày càng tăng của khí hậu. Bên cạnh đó, chúng ta đều có thể góp phần thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đến từ các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Ramla Khalidi, đối với sản xuất nông nghiệp, chúng ta có thể dựa vào khoa học, công nghệ và các thí điểm thành công đã có ở Việt Nam để thiết kế các hệ thống canh tác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở cấp độ trang trại và dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, với sự tham gia của tất cả các bên, như chế biến, vận chuyển, bán lẻ, qua đó thúc đẩy sự cung ứng có trách nhiệm từ trang trại đến bàn ăn.

Bà Ramla Khalidi: "Chúng ta đều có thể góp phần thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đến từ các mô hình kinh tế tuần hoàn".
Bà Ramla Khalidi: "Chúng ta đều có thể góp phần thúc đẩy thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đến từ các mô hình kinh tế tuần hoàn".

Tại các phiên đối thoại, đại diện các tổ chức quốc tế, khối tư nhân, các tổ chức phi chính phủ đã cùng nhau chia sẻ về các cơ chế hợp tác quốc tế và phối hợp liên ngành nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tuần hoàn, giới thiệu các mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công.

Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh tới đối tác công - tư trong sự thành công của nông nghiệp tuần hoàn, cụ thể là vai trò chủ động của Khối tư nhân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai các sáng kiến, mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến.

VẪN LÃNG PHÍ NHIỀU PHỤ PHẨM

TS. Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (IPSARD), cho biết trong lĩnh vực trồng trọt tại Việt Nam vẫn còn lãng phí nhiều phụ phẩm.

Cụ thể, sản phẩm trồng trọt sau khi thu hoạch, phụ phẩm chủ yếu là thân cây, thì 38% bị đốt tại ruộng; 28% được sử dụng làm thức ăn cho gia súc; bỏ tại ruộng 9%; sử dụng cho trồng trọt 5%; sử dụng để ủ phân chiếm 5%, còn lại là các xử lý khác. 

'Đối với phụ phẩm và chất thải trong chăn nuôi, hiện tỷ lệ trang trại xử lý chất thải chăn nuôi đạt 96,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ xử lý chất thải trong chăn nuôi mới đạt 48,2%.

Trong lĩnh vực thủy sản, chế biến tôm có lượng phụ phẩm khoảng 35-45%, chế biến cá tra tạo ra lợng phụ phẩm chiếm khoảng 60-70%. Đến nay, 90% lượng phụ phẩm thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị phục vụ cho sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, phụ phẩm từ khai thác gỗ rừng trồng hàng năm khoảng 16 triệu m3 củi, trong chế biến gỗ để lại 8,6 triệu m3/năm mùn cưa, đầu mẩu, gỗ vụn... Phần lớn phụ phẩm trong lâm nghiệp đã được thu gom, chế biến làm ván ép, gỗ ép, làm đệm lót sinh học trên chăn nuôi, ép viên làm chất đốt...

Quang cảnh Đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. 
Quang cảnh Đối thoại chính sách “Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. 

TS. Phong chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế tuần hoàn của ngành nông nghiệp, như nhận thức về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của nông dân vẫn còn mơ hồ, chưa đầy đủ; khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện; tỷ lệ thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo giá trị gia tăng còn thấp; các mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam chưa phổ biến…

 

"Cần có các chính sách, thực tiễn và kế hoạch hành động nhất quán ở cấp quốc gia và địa phương, các ngành và chuỗi giá trị khác nhau cần hợp pháp hóa và duy trì một hướng đi mới. Không gian hợp tác đa bên là điều rất cần thiết để triệu tập, gắn kết, tạo điều kiện và tạo cơ hội cho tầm nhìn chung và hành động hợp tác giữa nhiều chủ thể và ngành”.

Bà Maria Soledad Riestra, Cố vấn Trưởng về Hợp tác Hiệu quả, UNDP.

Theo bà Maria Soledad Riestra, Cố vấn Trưởng về Hợp tác Hiệu quả cùa UNDP, hiện hơn 90% nguồn nguyên liệu trên thế giới được khai thác và sử dụng đều bị lãng phí. Trong khi, nguyên liệu thứ cấp chỉ chiếm 7,2% tổng lượng nguyên liệu đầu vào được đưa trở lại nền kinh tế.

"Các cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn trong hệ thống lương thực thực phẩm rất phức tạp. Vì vậy, những thách thức không thể được giải quyết chỉ bởi một cá nhân hoặc tổ chức. Do đó, cần có sự phối hợp hành động, cần phải có cách tiếp cận "toàn chính phủ" và "toàn xã hội" để thiết kế mô hình mới này và đưa nó vào thực tiễn", bà Maria Soledad Riestra nhấn mạnh.

Tại phiên Đối Thoại, UNDP đã giới thiệu những kết quả ban đầu thu được từ việc triển khai Bộ công cụ NDC-Kinh tế Tuần hoàn (NDC-CE). Bộ công cụ này được xây dựng nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định, ưu tiên, triển khai và theo dõi các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn góp phần thực hiện mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Bộ công cụ được tổ chức thành bốn giai đoạn để thúc đẩy chu trình chính sách của một quốc gia, từ đánh giá phát thải khí nhà kính liên quan đến việc sử dụng vật liệu và ưu tiên các ngành/tiểu ngành cho NDC, đến xác định các phản hồi chính sách về kinh tế tuần hoàn, xác định các công cụ chính sách, theo dõi và báo cáo tiến độ trong các hoạt động quốc gia.

Tại đối thoại, UNDP cũng tuyên bố nghiên cứu sắp tới của mình về chuỗi giá trị cà phê và lúa gạo phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Chăn nuôi và Viện Kinh tế Nông nghiệp để xây dựng các biện pháp tổng hợp mới cho chuỗi giá trị nông-thực phẩm tuần hoàn, phát thải carbon thấp.