07:00 13/06/2024

Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030

Thanh Xuân

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 489/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ phần lãnh thổ tỉnh Hưng Yên, với tổng diện tích tự nhiên 930,22 km2, gồm 10 đơn vị hành chính: TP. Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 8 huyện (Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ).

PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH "MẠNG LƯỚI", ĐA CỰC TÍCH HỢP

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, Hưng Yên định hướng không gian theo mô hình “mạng lưới”, đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục, 3 trung tâm.

Cụ thể, hai vùng kinh tế - xã hội, gồm: Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị - khoa học công nghệ  - dịch vụ - du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng bảo tồn, phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng.

Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị - công nghiệp năng động của tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế - đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng).

Hai hành lang kinh tế: Hành lang công nghiệp - đô thị cấp vùng gắn với quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang văn hóa - lịch sử  -  sinh thái sông Hồng, phát triển du lịch lịch sử, văn hóa,  sinh thái gắn với tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng.

Năm trục phát triển: Trục phát triển Bắc - Nam (trục quốc lộ 39, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đường nối cao tốc và vành đai 5) là trục chính phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

Trục phát triển Bắc Nam phía Đông, là trục liên kết phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ;

Trục vành đai 4 gắn kết cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, kết nối đô thị Văn Giang của Hưng Yên với khu vực Thanh Trì, Thường Tín của Hà Nội;

Trục đường nối cao tốc Bô Thời - Dân Tiến, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải  Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, theo hướng quốc lộ 21, kết nối đô thị Bô Thời, Khoái Châu của Hưng Yên với đô thị vệ tinh Phú Xuyên và khu vực phía Nam của TP. Hà Nội;

Trục quốc lộ 38, quốc lộ 38B là trục kinh tế kết nối Hưng Yên với tỉnh Hà Nam và tỉnh Hải Dương.

Ba đô thị trung tâm: TP.Hưng Yên là đô thị trung tâm của tỉnh và vùng phía Nam, đóng vai trò trung tâm hành chính chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ…; kết nối về phía Bắc với huyện Kim Động phát triển đô thị sinh thái, du lịch dọc sông Hồng; kết nối về phía Đông với huyện Tiên Lữ phát triển dụ vụ; khoa học, đào tạo, trung tâm khởi nghiệp.

Đô thị Văn Giang là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại. Khai thác hiệu quả các đường vành đai 3, 5, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối với khu vực phía Đông và phía Nam của Thủ đô Hà Nội, đóng vai trò thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc của tỉnh.

Đô thị Mỹ Hào là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, phát triển theo hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại và nhà ở theo hướng thông minh, hiện đại. Phát triển gắn với hệ thống hạ tầng khung quốc gia trong hành lang công nghiệp - đô thị của tỉnh và trục phát triển Bắc - Nam phía Đông, kết nối Mỹ Hào - Ân Thi -  Phù Cừ gắn với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, là trục liên kết mới phía Đông thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, đầu mối logistics.

ƯU TIÊN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Hưng Yên tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững.

Tỉnh ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số (sản xuất sản phẩm điện tử, viễn thông, chíp bán dẫn, sản phẩm quang học, chế tạo phần mềm, sản phẩm công nghệ số;...); công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng; công nghiệp sản xuất cơ khí - chế tạo (sản xuất, lắp ráp ô tô, phương tiện vận tải, máy móc, phụ tùng, linh kiện,...); công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp sản xuất thiết bị y tế, hóa dược, công nghệ sinh học, dược phẩm; công nghiệp dệt may; công nghiệp vật liệu, nhất là vật liệu mới...

Hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu phát triển bền vững. Phát triển nhanh các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ để thu hút các dự án đầu tư lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển các cụm công nghệ để phục vụ các dự án quy mô nhỏ, vừa và công nghiệp hỗ trợ.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh có 30 khu công nghiệp (17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới), với tổng diện tích 9.589ha. Sau năm 2030, quy hoạch thêm 5 khu công nghiệp tiềm năng với tổng diện tích 2.460ha.

Đối với cụm công nghiệp, đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến có 50 cụm công nghiệp, quy mô 2.899ha (trong đó có 24 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, 15 cụm công nghiệp đã có quy hoạch từ giai đoạn trước, quy hoạch mới 11 cụm công nghiệp).