12:37 11/02/2009

Hướng dẫn và giáo dục pháp luật trong lĩnh vực blog

Có nhiều ý kiến khác nhau sau khi Thông tư 07 hướng dẫn trong lĩnh vực blog vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Ông Lưu Vũ Hải.
Ông Lưu Vũ Hải.
Có nhiều ý kiến khác nhau sau khi Thông tư 07 hướng dẫn trong lĩnh vực blog (trang thông tin điện tử cá nhân) vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Báo giới đã trao đổi với ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử, đơn vị “chấp bút” cho thông tư này.

Thông tư 07 được ban hành với mục đích chủ yếu là siết chặt việc quản lý trong lĩnh vực blog, thưa ông?

Tôi xin nhấn mạnh, thông tư này chỉ mang tính chất hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp và sử dụng thông tin trên blog đã được quy định trong Nghị định 97 về quản lý Internet. Việc ban hành thông tư 07 chỉ là tạo khung pháp lý bước đầu để hướng dẫn người viết blog (blogger) biết được cụ thể hơn điều gì được làm, điều gì không được làm.

Chắc chắn trong quá trình quản lý và vận hành lĩnh vực mới này sẽ có nhiều vấn đề phát sinh.  

Thông tư này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Còn Yahoo!, Google… có cung cấp dịch vụ blog nhưng lại đăng ký hoạt động tại nước ngoài nên sẽ không chịu sự kiểm soát của văn bản này. Vì thế, có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã chịu nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh thu hút khách hàng nay lại càng thêm khó.

Ngoài ra, thông tư còn quy định blogger phải chịu trách nhiệm về nội dung trên blog của mình nên có thể sẽ có tình trạng blogger bỏ các nhà cung cấp dịch vụ nội để tìm đến các nhà cung cấp ngoại. Xin ông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông nghĩ sao về những điều này?  

Thông tư 07 chỉ là văn bản hướng dẫn những nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan mà không tự quy định một điều gì mới. Do đó, thông tư này chỉ được điều chỉnh các doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam.  

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới sau khi gia nhập WTO. Quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo những thách thức không nhỏ. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng quyền cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để vào thị trường Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tương tự để mở rộng thị trường ra nước ngoài.  

Thông tư này cũng không quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trên các blog sử dụng dịch vụ của mình như mọi người vẫn tưởng. Doanh nghiệp chỉ phải ngăn chặn và loại bỏ những nội dung thông tin vi phạm các quy định của pháp luật ngay khi phát hiện hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.  

So với trước, giờ đây doanh nghiệp chỉ cần thực hiện một số trách nhiệm như: xây dựng và công khai quy chế cung cấp, trao đổi thông tin, bảo đảm không vi phạm các quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý thích hợp đối với các blog vi phạm; xây dựng quy trình quản lý thông tin phù hợp; xây dựng cơ sở dữ liệu và có trách nhiệm cung cấp thông tin mang tính thống kê cho cơ quan quản lý nhà nước khi được yêu cầu…  

Mặc dù văn bản hướng dẫn có nhiều nội dung nhưng để thực hiện được các yêu cầu này, các doanh nghiệp chỉ cần trang bị hệ thống phần mềm để quản lý dịch vụ và phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động này (báo cáo định kỳ sáu tháng một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu). Việc cài đặt phần mềm quản lý dịch vụ mang tính thống kê này là đương nhiên đối với doanh nghiệp.

Vì thế, sẽ không khó khăn gì cho doanh nghiệp khi thực hiện các yêu cầu này. Mặc dù nhà cung cấp dịch vụ trong nước “kêu ca”, nhưng cần biết rằng quy định về thống kê số liệu của nhiều nước trong việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này cũng tương tự.  

Một vấn đề nữa cũng cần làm rõ là thông tư này điều chỉnh hoạt động cung cấp và sử dụng thông tin trên blog nói chung đối với mọi tổ chức, cá nhân tại Việt Nam theo Nghị định 97 nên không phân biệt việc blog đó được đăng ký khởi tạo bởi dịch vụ của doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.  

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng trong lĩnh vực Internet cũng như blog, nếu Nhà nước có những chính sách quản lý chặt quá, rất có thể doanh nghiệp sẽ tìm cách ra nước ngoài mở công ty rồi lại hướng vào kinh doanh ở thị trường trong nước. Bộ có tính đến việc này không, thưa ông?  

Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp suy nghĩ như vậy có thể do xuất phát từ những bức xúc nhất thời, bởi chính sách của Nhà nước là luôn khuyến khích phát triển dịch vụ Internet nói chung, trong đó có dịch vụ blog, phục vụ nhu cầu lành mạnh của xã hội.

Nếu doanh nghiệp hướng tới một cộng đồng mạng lành mạnh để phát triển kinh doanh một cách bền vững thì phải cân nhắc hiệu quả kinh doanh một cách hợp lý, trong đó có cả trách nhiệm đối với cộng đồng.  

Hơn nữa, dù có cung cấp dịch vụ từ bên ngoài, các doanh nghiệp vẫn phải sử dụng các đối tác tại Việt Nam để tiếp thị và kinh doanh dịch vụ quảng cáo tạo nguồn thu. Và lúc đó họ cũng bị điều chỉnh gián tiếp, bởi các công ty quảng cáo phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.  

Bộ có ý định trao đổi với các nhà cung cấp dịch vụ blog của nước ngoài để yêu cầu họ hợp tác và sẽ thực hiện theo “tinh thần” của thông tư không?  

Trước mắt, Bộ có ý định trao đổi với các nhà cung cấp dịch vụ lớn như Yahoo!, Google...

Các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế luôn hướng tới một cộng đồng mạng với văn hóa ứng xử lành mạnh và tôn trọng luật pháp của nước sở tại, mặc dù họ không chính thức bị điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật đó. Điều đó sẽ giúp họ có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.  

Tôi xin lấy ví dụ về việc Yahoo! đã từng đóng cửa một blog vì quyền lợi của đa số trong cộng đồng. Hoặc như một quan chức cấp cao của Google cũng đã từng bày tỏ quan điểm tôn trọng pháp luật và hợp tác với chính quyền nước sở tại để có được sự thuận lợi cho hoạt động của chính họ.  

Thông tư 07 quy định blogger phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cung cấp, lưu trữ, truyền đi trên blog của mình. Song, đa số blogger thường nặc danh. Vì vậy, nhiều người cho rằng thông tư này khó khả thi, do không thể xác định được danh tính của blogger.  

Tôi cho rằng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ cố tình lợi dụng Internet với mục đích xấu. Còn đa số người dùng Internet là để phục vụ nhu cầu chính đáng và lành mạnh. Thông tư này chủ yếu mang tính giáo dục pháp luật hướng tới số đông, giúp họ từng bước nhận thức và tự tin hơn trong việc sử dụng Internet phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì vậy, Thông tư 07 không đi sâu vào việc phát hiện và xử lý các hành vi sai phạm, nên nhiều người cho rằng không khả thi.  

Tuy nhiên, Thông tư 07 cũng tạo ra khung pháp lý để xem xét, xử lý những hành vi cố tình vi phạm trong trường hợp cần thiết. Việc xác định danh tính của chủ thể blog có hành vi sai phạm là trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng có liên quan.

Tất nhiên, về mặt kỹ thuật là khó nhưng không phải không khả thi. Các chuyên gia kỹ thuật đã nói dấu vết điện tử trên Internet là hoàn toàn xác định được. Tất nhiên, ở đây cần có sự hợp tác của các nhà cung cấp dịch vụ. Và trong nhiều trường hợp là sự hợp tác giữa nhiều quốc gia vì lợi ích chung của cộng đồng.  

Trước nhiều phản ứng khác nhau của dư luận, liệu thông tư này có được sửa đổi để “hợp tình hợp lý” hơn không, thưa ông?  

Việc ban hành Thông tư 07 là một cố gắng lớn của cơ quan quản lý để đáp ứng phần nào nhu cầu của thực tiễn. Lĩnh vực Internet đang phát triển với tốc độ rất nhanh, vì vậy, cơ chế chính sách cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để tránh kìm hãm sự phát triển.  

Với tinh thần đó, Bộ luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp tích cực của cộng đồng và nếu thấy cần thiết sẽ điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu của cuộc sống.

Vân Oanh (TBVTSG)