11:00 11/09/2023

Hướng tới nền kinh tế carbon thấp: Yếu và thiếu nhân lực chuyển đổi xanh  

Lưu Hà

Đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới bắt đầu được EU thử nghiệm từ ngày 1/10/2023. Tốc độ thực thi hàng rào kỹ thuật “xanh” nhanh hơn nhiều so với việc triển khai các FTAs  và trở thành thách thức đáng kể đối với những ngành, doanh nghiệp không kịp chuyển đổi, thích ứng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh hội nhập  quốc tế, vai trò của doanh nghiệp được xác định là hạt nhân, đầu tàu giúp thúc đẩy nền kinh tế sản xuất theo hướng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, số doanh nghiệp Việt thực hiện “xanh hóa” còn ít, chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc doanh nghiệp lớn. Nếu không kịp thực hiện các giải pháp chuyển đổi công nghệ hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đối mặt với việc tăng chi phí sản xuất, suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

CHUYỂN ĐỔI XANH VÀ GIÁ TRỊ NHẬN ĐƯỢC

Đại diện cho PAN Group, một doanh nghiệp đã thực hành phát triển bền vững theo hướng giảm phát thải, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững, nhấn mạnh thực hành giảm phát thải thực tế là sát sườn với lợi ích của doanh nghiệp do tiết giảm được tài nguyên, tối ưu hóa hoạt động sản xuất.

Thực tế, thông qua áp dụng các quy trình thân thiện với môi trường, PAN Group tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng nhờ giảm sử dụng phân bón, thu về thêm hàng chục tỷ đồng nhờ chế biến và thương mại hóa phụ phẩm nông nghiệp. “Đây là động lực tự nhiên khi áp dụng mô hình kinh tế phát thải thấp”, đại diện PAN Group nhấn mạnh.

Cùng chung tầm nhìn, ông Hà Mạnh, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10, cho biết Công ty đã triển khai nhiều giải pháp, từ bền vững hóa nguyên liệu đầu vào cho đến sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tái sinh tại các công đoạn sản xuất. Thực hành bền vững suốt nhiều năm, ông Hà khẳng định, giá trị nhận lại không chỉ dừng lại ở sự tuân thủ hay đáp ứng quy định mà còn là  sự  khẳng định cho uy tín của một doanh nghiệp trước người tiêu dùng.

Trong bối cảnh hội nhập  quốc tế, vai trò của doanh nghiệp được xác định là hạt nhân, đầu tàu giúp thúc đẩy nền kinh tế sản xuất theo hướng bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập  quốc tế, vai trò của doanh nghiệp được xác định là hạt nhân, đầu tàu giúp thúc đẩy nền kinh tế sản xuất theo hướng bền vững.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Tập đoàn Unilever Việt Nam, cho biết dấu vết carbon trong toàn chuỗi giá trị của Unilever hiện nay chủ yếu đến từ nguồn nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, tỷ trọng thấp hơn từ nguồn nguyên liệu bao bì, hậu cần và phân phối, phát thải bán lẻ (đặc biệt là tủ đông kem), rác thải và bao bì… “Tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu chuyển sang sử dụng 100% nhiệt từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, đồng thời, loại bỏ dần chất làm lạnh HFC khỏi hệ thống làm mát”, bà Lê Thị Hồng Nhi khẳng định.

Tương tự, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Coteccons, nhấn mạnh: “Với Net Zero, chúng tôi không gọi là chi phí mà là khoản đầu tư vì chúng tôi tin vào những lợi ích mà Net Zero mang lại cả về trung và dài hạn”. Theo đó, Coteccons đã làm việc với một số công ty tư vấn chuyên về các giải pháp biến đổi khí hậu để xác định một cách có hệ thống các nguồn phát thải trong chuỗi hoạt động và định lượng lượng phát thải. Đại diện Coteccons cho biết thêm, biện pháp hữu hiệu nhất trong giảm phát thải chính là ở quy trình quản lý thi công mà nội dung giảm phát thải đã được tối ưu ngay từ các nhân tố đầu vào.

Cùng mục đích chia sẻ kinh nghiệm, bà Lâm Tố Trinh, Phó Tổng giám đốc Sáng tạo đổi mới và Phát triển kinh doanh Tập đoàn NS BlueScope Việt Nam, cho biết tập đoàn có lộ trình giảm carbon từ sớm, đi theo con đường chung là ESG. Riêng với Net-Zero, tập đoàn sản xuất thép này đã làm việc với các đối tác để họ cùng đi trên con đường giảm phát thải carbon. “Kinh nghiệm là chia nhỏ giai đoạn, đầu tư từng phần, sau đó tiến đến quy trình sản xuất, dùng những công nghệ mới hơn để sử dụng những sản phẩm vật liệu mới”, bà Trinh nhấn mạnh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2023 phát hành ngày 11-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hướng tới nền kinh tế carbon thấp: Yếu và thiếu nhân lực chuyển đổi xanh   - Ảnh 1